Do vậy, ngoài việc thu phí trả nợ trước hạn, các tổ chức tài chính còn nhiều khoản phạt khác như trả nợ quá hạn, lãi chậm trả, thu hồi khoản lãi suất ưu đãi trả nợ trước hạn.
Cần tiền để giải quyết công việc, chị Thanh Hường (quận Phú Nhuận, TP HCM) vay tại một tổ chức tài chính 30 triệu đồng. Do muốn được duyệt khoản vay sớm chị ký ngay hợp đồng mà không đọc kỹ quy định trong đó có các điều khoản phạt.
Với số tiền vay khoản trả góp cả gốc lẫn lãi mà chị phải trả mỗi tháng khoảng 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau 3 tháng, khi có đủ số tiền đã vay chị muốn tất toán, lúc đó chị mới biết mức phạt trả trước hạn lên đến 5% dư nợ. Tính ra, chị phải trả tổng cộng gần 34 triệu đồng cả gốc, lãi lẫn phí phạt.
Anh Đỗ Thành Hưng (quận Tân Bình, TP HCM) có nhu cầu vay 200 triệu đồng để mua ôtô. Qua tìm hiểu tại các công ty tài chính và ngân hàng thương mại anh được biết nếu vay theo thông thường (giải ngân một lần) và thế chấp bằng chính chiếc xe của mình, anh được áp dụng mức lãi suất 7,9% trong thời hạn 2 năm. Song, điều làm anh lấn cấn là trường hợp trả nợ trước hạn sẽ bị phạt lên tới 4%. Do phí phạt hơi cao, nên Hưng không dám quyết định vay luôn mà còn dành thời gian để cân nhắc.
Người tiêu dùng trước khi ký hợp đồng, cần phải nghiên cứu kỹ hợp đồng và đặc biệt lưu ý tới các điều khoản về mức phí tất toán trước hạn. |
Hiện phần lớn các tổ chức tài chính đều thu phí trả nợ trước hạn, tuy nhiên, mỗi tổ chức có một cách tính khác nhau. Ngoài thu phí thanh lý hợp đồng trước hạn, các tổ chức tài chính còn áp dụng rất nhiều khoản phạt khác như trả nợ quá hạn, lãi chậm trả, thu hồi các khoản lãi suất ưu đãi do trả nợ trước hạn… Song, khoản phí trả nợ trước hạn là điều đang khiến nhiều khách hàng bức xúc nhất.
Thực tế, trong quá trình vay tiêu dùng, khách hàng hoàn toàn có thể trả trước hạn để tất toán khoản vay không thế chấp của mình vào bất cứ lúc nào trong thời gian có hiệu lực hợp đồng. Số tiền khách hàng phải tất toán phụ thuộc vào số tiền gốc còn lại mà khách hàng chưa thanh toán.
Theo phân tích của giới chuyên gia, vấn đề thu phí trả nợ trước hạn là biện pháp cần thiết và phù hợp với thực tế kinh tế thị trường. Bởi lẽ, khi các tổ chức tín dụng nói chung và các công ty tài chính nói riêng thực hiện hợp đồng vay vốn, buộc họ phải cân đối nguồn vốn huy động của mình cả về lãi suất và kỳ hạn để đáp ứng yêu cầu của khoản vay.
Ngay trong thời hạn cho vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng, các tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi, chi phí cho các nguồn vốn mà họ đã huy động. Để bù đắp những khoản chi phí phát sinh, những rủi ro về lãi suất, cũng như cân đối nguồn vốn, các tổ chức tín dụng buộc phải thu phí khi khách hàng tất toán trước hạn.
Thông thường, khoản phạt được các ngân hàng áp dụng ở mức 1-5% trên tổng số tiền trả nợ trước hạn, tuy nhiên cũng có một số ngân hàng áp dụng theo công thức khác khiến cho số tiền mà khách hàng phải nộp phạt khá lớn.
Do đó, để tránh những rắc rối có thể xảy, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng trước khi ký hợp đồng cần phải nghiên cứu các điều khoản trong đó đặc biệt lưu ý tới mức phí tất toán trước hạn, phí nợ quá hạn và phí thanh toán trễ.
Khách hàng nên cân nhắc có nên tất toán trước hạn hay lựa chọn giữa hai phương án là giữ lại hợp đồng vay, không tất toán nhằm tận dụng số tiền đó để chi tiêu cho mục đích khác của bản thân hoặc tất toán (tức trả hết một lần) khoản vay tín chấp của mình nhằm tiết kiệm số tiền lãi phát sinh trong những tháng sau của hợp đồng.
Cùng đó, các tổ chức tài chính cũng cần có trách nhiệm nâng cao kiến thức cho khách hàng, minh bạch hóa các điều khoản và hỗ trợ kiến thức về vay tài chính thông qua kênh nhân viên tư vấn tín dụng, chăm sóc khách hàng, website cung cấp kiến thức cơ bản và những câu hỏi thường gặp khi vay tiêu dùng.
Theo chuyên gia ngân hàng, có 6 vấn đề mấu chốt trong hợp đồng mà người vay cần đặc biệt lưu ý gồm số tiền vay – cách thức giải ngân, mức tiền trả góp hàng tháng, lãi suất tiền vay, phương thức tính toán thu lãi tiền vay, phí phạt chậm trả, phí phải trả khi tất toán hợp đồng vay trước thời hạn.
Thanh Thư