Ôtô nội địa cũng rục rịch tăng giá bán

Nghị định 108 của Chính phủ, hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc có hiệu lực từ đầu tháng này. Quy định xuất phát từ đề xuất của Bộ Tài chính muốn bảo đảm sự công bằng và thống nhất giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước.

Dù được cho là đối tượng hưởng lợi từ cơ chế tính thuế mới, song trước sự tăng giá bán của hàng loạt dòng xe nhập nguyên chiếc, không ít các doanh nghiệp nội địa, liên doanh không thể “ngồi yên” mà bắt đầu rục rịch lên kế hoạch điều chỉnh.

Khảo sát của VnExpress tại một số showroom chính hãng như: Ford, Honda, Toyota, Thaco… cho thấy đến nay, ngoài Ford Việt Nam đã tăng 20-35 triệu đồng cho dòng bán tải và du lịch 16 chỗ, các hãng còn lại đều đang giữ giá bán cuối năm ngoái. Song, lãnh đạo các hãng đều khẳng định đang tính toán để điều chỉnh vào tháng tới.

Theo Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), cách tính thuế mới sẽ ảnh hưởng 2-5% giá bán các dòng xe lắp ráp từ phụ tùng thiết bị nhập khẩu. Tuy vậy, do chưa muốn thay đổi giá bán lúc này, hiện hãng vẫn giữ mức niêm yết với các thương hiệu đang lắp ráp như Kia, Mazda và Peugeot.

“Nếu có thay đổi thì phải sang tháng 2. Lãnh đạo công ty sẽ có cuộc họp cụ thể xem xét điều chỉnh giá”, ông Bùi Kim Kha – Phó tổng giám đốc cho hay.

oto-noi-dia-cung-ruc-rich-tang-gia-ban

Các dòng xe lắp ráp trong nước có khả năng sẽ được điều chỉnh giá vào tháng 2 tới.

Tương tự, Toyota Việt Nam cũng cho biết đang gặp khó với các dòng xe có dung tích động cơ lớn khi áp dụng cơ chế tính thuế cùng chính sách tỷ giá mới. Dù vậy, theo bà Lê Thị Hương Dịu – đại diện truyền thông của hãng, hiện Toyota chưa có thông tin cụ thể về mức giá mới cho tất cả dòng xe, kể cả lắp ráp trong nước, song cũng đang cân nhắc các yếu tố đầu vào để ra quyết định tăng giá hay không.

“Dù là doanh nghiệp lắp ráp thì chính sách thuế nhập khẩu cũng ít nhiều cũng đều ảnh hưởng đến một số mẫu xe của hãng. Hiện đã có nhiều công ty tăng giá không vì lý do nào khác ngoài thuế và tỷ giá. Do đó, hãng cũng cần phải xem xét lại về giá bán thời gian tới”, bà nói.

Vị này cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, Toyota còn nhiều hợp đồng của khách hàng đợi giao xe. Mọi thay đổi chính sách đã được doanh nghiệp cập nhật đến từng khách, trong đó có việc thay đổi giá bán so với lúc ký hợp đồng đặt cọc. Trong trường hợp khách hàng không chấp nhận trả thêm khoản tiền phát sinh thêm, họ vẫn có thể nhận lại tiền đặt cọc

Trong khi đó, trên thị trường, các dòng xe đã qua sử dụng cũng nhân cơ hội các hãng tăng giá bán cũng “té nước theo mưa”. Theo một chủ đại lý xe cũ trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội), mức giá bán các mẫu xe cũ từ nội địa cho đến nhập khẩu đã tăng 5-10% so với hồi cuối năm 2015. Lý do được vị này đưa ra là mùa cao điểm, cộng với chi phí áp thuế các dòng xe đời trước đều tăng cao hơn.

“Ai cũng thấy nghịch lý hiện nay là càng dùng xe cũ càng có lãi nếu thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe luôn theo xu hướng tăng cao”, vị này nói.

Trước đó, tháng cuối năm 2015, một số dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc được nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giá bán tăng với mức khá cao, trong đó Mercedes-Benz mức thấp là 20 triệu đồng và mức cao nhất là gần 1,8 tỷ đồng. Đại diện BMW Việt Nam cho biết các mẫu xe của hãng vừa chính thức được điều chỉnh giá bán tăng thêm 10-15% so với trước.

Từ chối nhận định thị trường ôtô trong nước từ nay đến Tết Nguyên đán, song lãnh đạo Audi tại Việt Nam cũng thừa nhận hãng buộc phải tăng giá bán hầu hết các dòng xe và đến tháng 2 mới bắt đầu công bố bảng giá mới. Bởi hiện công ty đang vướng giải quyết các hợp đồng khách hàng mua xe trước đó. “Hãng đang xử lý từng hợp đồng của khách hàng để lợi nhất cho cả hai bên sau sự thay đổi chính sách điều hành của cơ quan quản lý”, ông nói.

Thành Tâm

0913.756.339