Bộ Tài chính lý giải việc giá xăng dầu giảm chậm so với thế giới

Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 10/1, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ về nguyên nhân giá xăng dầu giảm chậm so với giá dầu thô trên thế giới.

– Thưa Bộ trưởng, năm qua, người dân đánh giá cao việc giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến giá dầu thế giới với tổng mức điều chỉnh lớn và số lần giảm là 18 lần. Nhưng vẫn có ý kiến băn khoăn, vì sao giá dầu thô giảm tới hơn 40% nhưng giá xăng bán lẻ trong nước chỉ giảm khoảng 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%?

bo-tai-chinh-ly-giai-viec-gia-xang-dau-giam-cham-so-voi-the-gioi

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. 

– Giữa giá dầu thô và giá bán lẻ là 2 khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không thể đồng nhất về mặt tỷ lệ giảm giá. Bởi lẽ, dầu thô là nguyên liệu đầu vào của giá xăng dầu bán lẻ. Để có xăng dầu ta phải thông qua chế biến, lưu thông, dự trữ rồi cả những chi phí khác như thuế liên quan đến xăng dầu. Theo chúng tôi tính toán, chi phí bán lẻ dầu thô trong giá xăng khoảng 40%, trong giá dầu là 50% nên không thể tính chênh lệch giá dầu thô giảm 40% thì giá bán lẻ xăng dầu cũng phải giảm tương ứng vì những chi phí sản xuất, lưu thông là những chi phí tương đối cố định, thậm chí có thời điểm tăng lên. Như vậy, chúng tôi đánh giá, năm qua việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với diễn biến giá dầu thô thế giới.

Cụ thể, so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia thì giá xăng và dầu của Việt Nam còn đang thấp hơn tương đối nhiều.

– Định hướng điều hành giá xăng dầu năm nay như thế nào, thưa ông?

– Chúng tôi vẫn kiên định điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến giá xăng dầu thế giới trong quá trình điều hành. Ngoài ra, trong điều hành, tiếp tục đảm bảo tính minh bạch cao hơn. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra thực hiện giá bán lẻ xăng dầu theo quy định của Chính phủ.

– Giá dầu thô thế giới giảm mạnh được coi là một cú sốc vào ngân sách nhưng cuối năm, Bộ Tài chính vẫn công bố chỉ số cân đối ngân sách và bội chi đạt chỉ tiêu. Bộ Tài chính đã có những chính sách gì để có thể vượt qua được một năm khó khăn như vậy?

– Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách và triển khai các pháp luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực trong 2015, ví dụ như Luật sửa 5 luật thuế, Biểu thuế tài nguyên, thuế Bảo vệ môi trường, thuế Tiêu thụ đặc biệt…, qua đó điều chỉnh chính sách thu, tăng thu nội địa, giảm thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tập trung vào cải cách thủ tục hành chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; tăng cường công tác thanh kiểm tra về thuế, chống thất thu, chống nợ đọng, chống chuyển giá. Đến nay, kết thúc 2015 đã thu được gần 40.000 tỷ tiền nợ thuế của năm 2014 chuyển sang.

Cũng phải nói thêm rằng, điều hành ngân sách được thực hiện với tinh thần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để đảm bảo cân đối ngân sách. Triển khai đồng bộ quyết liệt công tác quản lý giá cả thị trường theo cơ chế giá thị trường và đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thô giảm sâu, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các ngành, các địa phương quản lý đầu vào, giảm chi phí sản xuất kinh doanh qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, tăng trưởng kinh tế cũng là tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Với các giải pháp đồng bộ như vậy, kết thúc 2015, tổng thu ngân sách đã vượt so với dự toán Quốc hội giao đầu năm gần 8% và không phải sử dụng khoản 10.000 tỷ thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để bù đắp hụt thu ngân sách trung ương do giá dầu giảm, từ đó giữ được bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 theo kế hoạch đã đề ra.

– Theo ông, năm 2016, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước tác động đến vấn đề cân đối thu chi ngân sách như thế nào?

– Như chúng ta đã biết, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách với giá dầu thô là 60 USD một thùng nhưng gần đây giá chỉ còn dưới 35 USD một thùng. Bên cạnh đó, việc cắt giảm lộ trình thuế quan 2016 theo các cam kết quốc tế cũng giảm thu ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là 2 yếu tố tác động trực tiếp vào tình hình ngân sách trung ương năm 2016. Trước tình hình đó, chúng tôi đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản khác nhau về giá dầu thô năm 2016 là 55 USD, 50 USD, 45 USD, 40 USD, 35 USD một thùng và đến nay là 30 USD một thùng để làm cơ sở điều hành ngân sách hợp lý cho năm 2016.

bo-tai-chinh-ly-giai-viec-gia-xang-dau-giam-cham-so-voi-the-gioi-1

Giá dầu thô lao dốc là một trong những thách thức lớn của ngành tài chính.

Bên cạnh đó, phát huy những giải pháp hiệu quả trong năm 2015 như: cắt giảm chi, điều chỉnh chính sách thu, tăng cường thanh kiểm tra chống thất thu, chống nợ đọng… năm 2016, những giải pháp này tiếp tục được thực hiện. Đặc biệt, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc điều hành chính sách giá cả, giá xăng dầu xuống thì phải điều hành thật tốt để điều hành chi phí đầu vào của sản xuất, của nền kinh tế, của doanh nghiệp cũng phải giảm theo. Từ đó giảm chi phí đầu vào sản xuất các sản phẩm của Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, đó cũng là tiền đề quan trọng nhất để tăng thu.

– Một doanh nghiệp chia sẻ là đã xây dựng được một nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu nhờ nguồn vốn huy động được từ thị trường chứng khoán. Đơn vị này muốn Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục có các chính sách phát triển các thị trường vốn trong và ngoài nước như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn trong tiến trình hội nhập?

– Thị trường chứng khoán năm qua tăng 6,1% trong khi các nước trong khu vực giảm sút. Quy mô vốn hóa thị trường năm qua cũng lên tới 57% GDP. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, qua thị trường chứng khoán huy động được 299.000 tỷ đồng vốn trái phiếu cho đầu tư phát triển.

Để đảm bảo thị trường ổn định và phát triển trong năm tới, Bộ Tài chính đang triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó có tập trung khơi thông nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua thực hiện tốt, quyết liệt và hiệu quả Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Bộ sẽ chuẩn bị các điều kiện nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ mức cận biên lên mức mới nổi. Tiếp đến là giảm thủ tục và triển khai đăng ký mã số trực tuyến đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhóm giải pháp tiếp theo là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó tập trung tăng nguồn cung và chất lượng nguồn cung cho thị trường. Điểm mấu chốt và hàng hóa quan trọng nhất chính là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã làm một bước rất tốt về số lượng cổ phần hóa 96% theo Đề án được phê duyệt. Nhưng về chất lượng, có những doanh nghiệp bán số lượng cổ phần rất thấp so với Đề án phê duyệt. Do đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường chứng khoán, qua đó phải tăng cường thanh kiểm tra tạo tính minh bạch, niềm tin của nhà đầu tư.

Kỳ Duyên (ghi)

0913.756.339