Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội vừa có báo cáo khảo sát lương, thưởng Tết Âm lịch 2016. Theo đó, mức thưởng cao nhất được báo cáo đến nay vẫn thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 100 triệu đồng, trong khi mức thấp nhất – 450.000 đồng cũng thuộc về loại hình doanh nghiệp này. Bình quân thưởng Tết trong khối FDI xấp xỉ 3,8 triệu đồng, tăng gần 1% so với năm ngoái.
Người lao động trong khối doanh nghiệp Nhà nước nhận mức thưởng bình quân thấp hơn khối FDI, khoảng 3,5 triệu đồng, tăng 1,4% so với năm trước. Nơi thưởng cao nhất là 20 triệu đồng, thấp nhất ở mức 500.000 đồng.
Nhóm công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thưởng gần 3,4 triệu một người, tăng 1,5% so với năm trước. Doanh nghiệp thưởng cao nhất hơn 38 triệu đồng, thấp nhất 500.000 đồng.
Khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thưởng Tết 3,7 triệu đồng, tương đương năm trước. Mức thưởng cao nhất là 25 triệu đồng, thấp nhất 550.000 đồng.
Năm 2015, kinh tế địa phương khởi sắc nên nhiều doanh nghiệp dự kiến tăng thưởng Tết khoảng 1,5 % so với năm trước. Ngoài Hà Nội, nhiều thành phố lớn đã công bố mức thưởng Tết cao nhất. Tại TP HCM, một doanh nghiệp FDI thưởng cao nhất 2 tỷ đồng, Đà Nẵng 200 triệu đồng, Bình Dương 80 triệu đồng. trong khi mức ở Bắc Ninh là 236 triệu đồng
Trước đó, Thứ trưởng Lao động Phạm Minh Huân cũng dự đoán, thưởng Tết Bính Thân 2016 sẽ cao hơn 2015. “Lý do là tình hình kinh tế khởi sắc, chỉ số GDP tăng, sản xuất công nghiệp, lương và thu nhập cơ bản ổn định”, ông Huân giải thích.
Tết Ất Mùi 2015, thống kê từ 13.000 doanh nghiệp cả nước cho thấy mức thưởng trung bình là 5 triệu đồng, tăng 15% so với năm trước. Mức thưởng cao nhất dịp Tết Âm lịch thuộc về một doanh nghiệp tại Bình Dương, với 482 triệu đồng. Thưởng thấp nhất là 30.000 đồng, thuộc về một doanh nghiệp tư nhân ở phía Nam.
Phương Hòa