OPEC sản xuất tới một phần ba dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, tổ chức này đang gặp khó khi giá dầu thô mất tới 60% từ giữa năm 2014, xuống chỉ còn dưới 40 USD hiện tại, AFP cho biết.
Việc tìm ra hướng đi mới cho OPEC giờ đang ngày càng khó, sau khi Ảrập Xêút xử tử giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite nổi tiếng – Nimr al-Nimr cuối tuần trước, châm ngòi cho căng thẳng với Iran. “Tình hình hiện tại giữa Iran và Ảrập Xêút càng khiến việc nhượng bộ khó khăn hơn”, Francis Perrin – Chủ tịch Strategy & Energy Policy nhận xét.
Căng thẳng giữa Iran và Ảrập Xêút khiến nội bộ OPEC thêm lục đục. Ảnh: National Post |
Các quốc gia Vùng Vịnh, dẫn đầu bởi Ả ập Xê út, từ chối cắt giảm sản lượng, trừ phi các nước sản xuất dầu ngoài OPEC cũng làm điều tương tự. Việc cắt giảm sẽ kéo giá dầu lên.
Lập trường này đang gây thiệt hại tài chính cho 13 nước OPEC khác, trong đó có Algeria, Venezuela và Nigeria – những nước có nguồn thu ngân sách lớn từ dầu mỏ. Iran cũng không có ý định kìm hãm sản xuất do phương Tây chuẩn bị gỡ bỏ các lệnh cấm vận, cho phép họ phục hồi xuất khẩu dầu mỏ.
“Trong ngắn hạn, OPEC sẽ không thể có sự đồng thuận nào về sản xuất. Bình thường khả năng này đã là rất nhỏ. Nhưng với căng thẳng hiện tại giữa Iran và Ả rập Xê út, cơ hội này đã hoàn toàn biến mất”, Pierre Terzian – Giám đốc Petrostrategies nhận xét.
Ngoài việc là đối thủ về chính trị và tôn giáo, hai cường quốc Trung Đông này cũng đang cạnh tranh về thị phần dầu mỏ.
Từ quan điểm của Iran, họ cho rằng “công bằng” là khi các nước OPEC khác, trong đó có Ảrập Xêút, “cắt giảm sản lượng năm 2016 để cho phép Iran có thêm thị phần mà không đẩy giá xuống thấp”, Perrin cho biết. Nhưng với Ảrập Xêút, “có thêm doanh thu sẽ chỉ khiến Iran càng là mối phiền toái trong khu vực”.
Ảrập Xêút chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giảm sản lượng. Cuối tháng trước, Bộ trưởng Dầu mỏ nước này – Ali al-Naimi cho biết trên Wall Street Journal: “Chúng tôi sẽ không hạn chế sản lượng nữa. Nếu thế giới có nhu cầu, chúng tôi sẽ phản ứng lại. Chúng tôi có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đó”.
Terzian cho rằng: “Rõ ràng, điều này có nghĩa Ảrập Xêút sẽ không để Iran tăng xuất khẩu dầu. Thay vào đó, họ sẽ tự tăng của mình”.
Dù vậy, từ hàng chục năm nay, OPEC vẫn đứng vững sau nhiều xung đột giữa các thành viên, nổi bật nhất là giai đoạn chiến tranh Iran – Iraq 1980-1988. “Khi ấy, địa điểm duy nhất mà các lãnh đạo Iran và Iraq có thể gặp nhau mà không gây chiến là ở OPEC”, Perrin cho biết.
Christopher Dembik – nhà phân tích tại Saxo Bank cũng nhận thấy lợi ích chung giữa 2 quốc gia có thể xoa dịu tình hình hiện tại. “Cả hai đều đang cố lấy lại thị phần bị mất. Họ ít nhất có lợi ích trong trung hạn, nếu giữ giá dầu thấp. Họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đồng ý về điểm này. Ít nhất là như vậy”, ông cho biết.
Hà Thu