Trong ngày đầu thực hiện điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) – Bùi Quốc Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí để giải thích một số nội dung của chính sách này.
– Từ ngày 4/1, việc điều hành tỷ giá được thực hiện theo cơ chế mới: Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm hằng ngay, thay vì có thể duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhiều tháng như trước. Đâu là cơ sở để cơ quan điều hành đưa ra con số 21.896 đồng đổi một USD cho ngày đầu tiên?
– Để xác định mức giá này, Ngân hàng Nhà nước đã dựa trên 3 thành tố chính: Một là tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường liên ngân hàng, thứ hai là tỷ giá tham chiếu dựa trên biến động của các đồng tiền quốc tế, các đối tác thương mại đầu tư lớn với Việt Nam và cuối cùng diễn biến kinh tế vĩ mô.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) – Bùi Quốc Dũng trả lời báo chí chiều 4/1 về cơ chế tỷ giá mới. Ảnh: Anh Tú. |
Trong đó, tỷ giá bình quân gia quyền tính theo trọng số của các ngân hàng trên thị trường, được lấy theo giá đóng cửa giao dịch của phiên trước đó. Sở dĩ chọn bình quân gia quyền là bởi nếu lấy vào cuối giờ, có thể xảy ra tình trạng các ngân hàng thương mại lớn làm giá. Tỷ giá các đồng tiền quốc tế lại được lấy theo giao dịch gần nhất lúc 7 giờ sáng, bởi với nhiều đồng tiền, giờ đóng cửa ở nước này có thể lại là thời điểm bắt đầu giao dịch ở thị trường khác.
Nói chung với cách tính mới, tỷ giá trung tâm sẽ vừa thể hiện biến động trong nước, vừa phản ánh thị trường quốc tế. Thời gian tới, sẽ có những hôm thị trường trong nước tăng cao, giá quốc tế lại giảm thì tỷ giá trung tâm vẫn có thể giảm theo.
– Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại chọn các yếu tố nêu trên, thay vì những công cụ khác để tính tỷ giá trung tâm?
– Trên thế giới hiện có 2 cách xác định tỷ giá trung tâm. Nhóm các nước như Trung Quốc lấy tỷ giá đóng cửa hôm trước làm tham chiếu cho tỷ giá hôm sau. Nhược điểm của cách này là tỷ giá cuối giờ có thể là chủ quan, bị các tổ chức tín dụng lớn chi phối. Nhóm thứ hai như Singapore dựa chủ yếu vào các đồng tiền mạnh trên thế giới. Ưu điểm của phương pháp này là tỷ giá sẽ phản ứng nhanh với thị trường quốc tế nhưng lại khó phản ánh cung cầu trong nước.
Với Việt Nam, theo quan sát định tính trong năm 2015, tỷ giá cũng chịu chi phối nhiều bởi yếu tố tâm lý do các diễn biến trên quốc tế. Do vậy, lựa chọn cách kết hợp cả hai yếu tố nêu trên là để vừa đảm bảo tỷ giá linh hoạt, vừa phản ánh diễn biến thế giới cũng như cung cầu trong nước.
– Vậy những đồng tiền nào làm căn cứ tham chiếu tính tỷ giá trung tâm hiện nay?
– Dựa trên nhiều yếu tố, Ngân hàng Nhà nước lựa chọn các đồng tiền làm căn cứ gồm: đôla Mỹ (USD), euro (EUR), nhân dân tệ (CNY), yên Nhật (JPY), đôla Singapore (SGD), won Hàn Quốc (KRW) và Đài tệ (Đài Loan), đồng bạt Thái Lan (THB). Những nước còn lại do mức đầu tư với Việt Nam khá nhỏ nên không ảnh hưởng đáng kể.
– Trước đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn đưa ra thông điệp về mức biên độ điều chỉnh của tỷ giá hằng năm để doanh nghiệp có căn cứ xây dựng phương án kinh doanh. Với cơ chế mới, thông điệp đó sẽ được đưa ra thế nào?
– Việc định hướng tỷ giá là khó nhất đối với chúng tôi khi xây dựng cơ chế mới. Không chỉ để tỷ giá lên xuống mà còn làm sao để quản lý hiệu quả. Để làm được việc này, chúng tôi sử dụng công cụ phái sinh.
Trước Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng chỉ có bán giao ngay (spot), nay đã có thể phái sinh. Như đợt ngày 31/12 vừa rồi, chúng tôi cho phép các ngân hàng mua kỳ hạn 3 tháng để cân bằng trạng thái ngoại tệ với giá bán cao hơn giá của ngày 31/12/2015 là 1%. Thay vì đưa ra biên độ thay đổi cứng, cách này giúp thị trường ngầm hiểu là vùng mục tiêu của tỷ giá đến cuối tháng 3 là khoảng 1%.
Như vậy, khi căng thẳng nguồn thu ngoại tệ cuối năm, các ngân hàng vẫn có thể mua kỳ hạn và short (bán ra) đôla để cân bằng trạng thái kinh doanh bình thường. Đến cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán bù đắp ngoại tệ. Không chỉ vậy, các ngân hàng có thể hủy giữa chừng, phí hủy chỉ mang tính tượng trưng.
– Doanh nghiệp sẽ có lợi gì khi tỷ giá được điều hành theo cách thức mới?
– Cơ chế tỷ giá mới biến động linh hoạt, giúp cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn, mua bán cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra, vì tỷ giá tăng giảm hằng ngày nên mức biến động mỗi lần sẽ đỡ mạnh hơn. Nếu trước đây khi tỷ giá được cố định thời gian dài, lúc tăng 1-2% thì doanh nghiệp có thể thua lỗ về mặt tỷ giá. Với cách điều hành, này mức độ thay đổi nhỏ hơn rất nhiều.
Cơ chế tỷ giá mới áp dụng cũng có sự phối hợp với bán kỳ hạn giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, giúp thúc đẩy và khuyến khích các thành viên phát triển thị trường ngoại hối phái sinh.
Thanh Thanh Lan(ghi)