Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam sáng 16/12, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra một số đề xuất với các Bộ, ngành và Chính phủ để thúc đẩy thanh toán không dung tiền mặt tại Việt Nam. Ông khẳng định Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm cơ chế khuyến khích thanh toán điện tử.
Đầu tiên, theo ông nên chuyển cơ chế, hạ mức được phép khấu trừ chi phí của doanh nghiệp khi thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng như hiện nay xuống 5 triệu đồng. Theo ông, đây sẽ là công cụ mạnh nhất thúc đẩy thanh toán điện tử bởi về công nghệ, hạ tầng thanh toán của Việt Nam đều đã cho phép điều này.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại Diễn đàn Thanh toán điện tử – VEPF 2015 sáng 16/12. Ảnh: Quý Đoàn |
Thứ hai, cơ quan quản lý cho rằng nên có chính sách hướng đến hóa đơn điện tử, bởi đây là tiền đề bắt buộc để phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam. Nếu khuyến khích được các doanh nghiệp sử dụng cũng là cách để thực hiện việc hoàn thuế một cách nhanh nhất thay vì gặp phải những tồn tại như hiện nay.
Ngoài ra, với các ngân hàng tham gia thanh toán điện tử, theo đại diện ngành tài chính, có thể đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép dùng 10% quỹ khoa học công nghệ của các ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho các đối tác của mình.
Không chỉ vậy, theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đã đến lúc nên thay đổi lại cách quản lý thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thay vì phân chia như hiện nay, cần học tập kinh nghiệm quốc tế, phân loại nhỏ và siêu nhỏ để có công cụ thuế, chính sách thuế phù hợp. Như kinh nghiệm các nước, với doanh nghiệp siêu nhỏ và những đơn vị là công ty con, công ty trực tiếp, vệ tinh của doanh nghiệp vừa và lớn, họ chỉ quản lý về mặt doanh số. Như vậy sẽ tiết kiệm chi phí về sổ sách kế toán, thuê nhân công, chi phí quản lý… khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lãnh đạo ngành tài chính còn cho rằng ngành của mình chính là một trong những khách hàng tiềm năng của thanh toán điện tử tại Việt Nam. Ông cho biết, năm 2015, tổng số tiền nộp thuế khoảng 45 tỷ USD, trong đó trên 90% là thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng thực tế thanh toán thuế điện tử mới chỉ chiếm khoảng 30%.
Theo ông Tuấn, đó là những khách hàng rất tiềm năng đối với thanh toán điện tử bởi vì, số lượng đối tượng tham gia khá lớn với trên 500.000 doanh nghiệp; 1,3 triệu hộ kinh doanh thường xuyên, hơn 100.000 người không kinh doanh nhưng nộp thuế thường xuyên; 4,7 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân và trên dưới 10 triệu hộ phải thường xuyên nộp thuế phi nông nghiệp.
Sáng 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đã đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin. Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính. Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF. Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ: Vietcombank, VietinBank, Sacombank, TPBank, MasterCard, Visa, JCB, Vietbank và VnPay. |
Hà Lan