Trung Quốc và Hollywood đã duy trì mối quan hệ vừa là bạn, vừa là đối thủ trong nhiều năm qua. Ngành công nghiệp này bán trước phim cho các thị trường nước ngoài, trong đó có châu Á, để lấy vốn sản xuất. Nhà đầu tư Trung Quốc cũng có thể tài trợ để đưa sản phẩm Trung Quốc vào trong phim.
Rất nhiều yếu tố Trung Quốc đã được lồng vào phần phim mới nhất của Transformers: Kỷ nguyên hủy diệt. Đây đã trở thành bộ phim doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc.
Có rất nhiều ý kiến trên Internet phản đối việc lồng ghép sản phẩm một cách không thích hợp vào phim Mỹ. Ví dụ, trong bộ phim “Transformers” mới nhất, Jack Reynor uống một lon Red Bull Trung Quốc ở Texas. Một người xem đã tỏ ra khó chịu: “Ở đấy mà cũng bán loại nước đó à?”.
Một cảnh có yếu tố Trung Quốc trong Transformers. Ảnh: Transormers |
Dù vậy, mối quan hệ giữa các nhà đầu tư Trung Quốc giàu có và ngành công nghiệp phim Mỹ vẫn ngày càng khăng khít. Tiền Trung Quốc đổ vào ngành giải trí Mỹ ngày càng tăng. Ví dụ như phim ảnh đã lên 2,7 tỷ USD từ năm 2000 đến quý II năm nay, theo hãng nghiên cứu Rhodium. Trong quý III, số công ty truyền thông và phim ảnh Trung Quốc mở văn phòng tại Mỹ cũng ngày một nhiều lên.
Tầng lớp trung lưu đông đúc tại đây đang làm giàu cho các rạp phim. Theo hãng nghiên cứu McKinsey, đến năm 2022, hơn 75% hộ gia đình tại thành thị Trung Quốc sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu, tăng đáng kể so với 4% năm 2000. Trong khi tệ nạn ăn cắp bản quyền và nội dung phim bị tung tràn lan lên Internet, ngày càng nhiều người Trung Quốc vẫn muốn vào rạp để thưởng thức thú vui trung lưu này.
Doanh thu phòng vé của Trung Quốc năm 2013 đã tăng 27% lên 3,6 tỷ USD, tương đương 10% tổng doanh thu toàn cầu, theo Hiệp hội các hãng phim Mỹ (MPAA). Trong khi đó, dù doanh thu tại Mỹ và Canada chiếm 30,4% toàn cầu, tốc độ tăng cũng chỉ khiêm tốn với 1%.
Theo dự báo của hãng tư vấn PwC, doanh thu phòng vé tại Trung Quốc sẽ tăng 88,5% lên 5,9 tỷ USD năm 2018, so với chỉ 3,1 tỷ USD năm ngoái. “Đây là thị trường bị bỏ trống cực lớn. Rất nhiều người ở tầng lớp trung lưu tại đây vẫn chưa ra rạp xem phim nhiều”, Christopher Spicer – chuyên gia mảng phim ảnh Trung Quốc cho biết.
Trong tương lai, câu hỏi đặt ra không phải là Trung Quốc sẽ tiếp cận được bao nhiêu sản phẩm truyền thông phương Tây, hay bao nhiêu đồ Trung Quốc sẽ được nhồi vào phim Hollywood. Vấn đề là liệu các nhà đầu tư Trung Quốc có vượt lên, trở thành nhà sản xuất và phụ trách nội dung tại Hollywood hay không.
Không phải tất cả người giàu Trung Quốc đều chỉ coi phim ảnh là khoản đầu tư ngắn hạn, bên cạnh bất động sản hay rượu Bordeaux. Rất nhiều người trong số đó có tham vọng lớn khi mạnh tay chi tới hàng trăm triệu USD. “Người Trung Quốc đang đổ tiền vào ngành giải trí Mỹ. Họ coi đây chính là một mảng kinh doanh”, Tom Nunan – nhà sáng lập hãng phim Bull’s Eye Entertainment nhận định.
Hà Thu