Siết quản lý xe máy điện

Các biện pháp chủ yếu nhằm vào việc kiểm soát nguồn gốc các loại xe máy điện tại nơi nhập khẩu, lưu thông cũng như bán hàng. Trường hợp phát hiện xe không có hóa đơn, chứng từ (không tờ khai hải quan nhập khẩu, hóa đơn mua hàng) các cơ quan chức năng xử phạt theo quy định. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh đề xuất quy chế phối hợp thanh, kiểm tra. Trường hợp các cơ sở kinh doanh có bán hàng nhưng không có giấy tờ chứng minh là hàng hóa hợp pháp thì báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xử lý. Đồng thời, các cơ quan này theo định kỳ phải báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh về số lượng xe máy điện trên địa bàn.

Theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian qua có hàng triệu xe máy điện không có nguồn gốc hợp pháp đang lưu hành. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cũng cho thấy, từ năm 2010-2015 tổng số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước là 16.722 chiếc, nhập khẩu 2.091 chiếc. Trong đó tổng số lượng xe máy điện kinh doanh (gồm kinh doanh thương mại và hộ kinh doanh) là 20.381 chiếc. 

Trước đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 54 nêu rõ từ 1/7/2016 nếu chủ tài sản lưu hành xe trên đường nhưng chưa đăng ký quyền sở hữu thì cơ quan công an sẽ xử phạt hoặc tịch thu phương tiện. Văn bản này cũng tạo điều kiện giải quyết đăng ký, cấp biển số với xe máy điện theo hướng thông thoáng hơn như không cần phải có các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của xe như hóa đơn bán hàng, chứng từ lệ phí trước bạ, chứng từ nguồn gốc xe.

Bộ Tài chính cho rằng, tạo điều kiện không đồng nghĩa với việc khuyến khích nhập khẩu, bán hàng hóa trốn thuế đối với xe máy điện, hợp pháp hóa số xe máy chưa đăng ký, do đó cần sự phối hợp chẽ giữa các cơ quan để thực hiện các giải pháp nói trên. 

Ngọc Tuyên

0913.756.339