– Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP mà Việt Nam tham gia ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Riêng thương mại điện tử, đâu là thay đổi đáng kể nhất với doanh nghiệp và người tiêu dùng, theo nhìn nhận của ông?
– Một trong những mục đích chính của chương Thương mại điện tử (TMĐT) trong TPP là hướng tới việc phát triển kinh tế số của các nước thành viên và trong cộng đồng TPP. Để đạt được mục tiêu đó, các nước TPP cam kết bảo đảm luồng thông tin và dữ liệu mang tính toàn cầu được lưu chuyển một cách tự do; đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc nội địa của mỗi quốc gia dựa trên các nguyên tắc của Luật Mẫu trong TMĐT của Uỷ ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) năm 1996 và Công ước Chứng từ điện tử của Liên Hiệp Quốc năm 2005.
Ông Trần Hữu Linh cho rằng niềm tin của người tiêu dùng trong thanh toán điện tử chưa cao. Ảnh: Moit.gov.vn |
Một thay đổi khác là vấn đề ưu đãi thuế quan. Theo TPP, các giao dịch điện tử không bị áp dụng thuế quan, đồng thời TPP cũng ngăn không cho phép các nước thành viên ưu đãi các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp sản phẩm truyền tin điện tử nội địa bằng cách áp dụng các biện pháp mang tính phân biệt đối xử hay khóa, chặn hoàn toàn việc truyền tin.
Bảo vệ thông tin cá nhân và người tiêu dùng trực tuyến cũng là nội dung rất đáng chú ý. Nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng, các nước TPP thống nhất thông qua và duy trì các điều luật bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến các hành vi giả mạo, gian lận thương mại trên mạng cũng như đảm bảo các biện pháp bảo vệ tính riêng tư và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khác có thể được áp dụng vào thị trường của các nước TPP. Các nước TPP cũng phải đưa ra các biện pháp nhằm chấm dứt tin nhắn rác. Đồng thời, TPP khuyến khích sự hợp tác về chính sách liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ người tiêu dùng trên mạng, các nguy cơ và năng lực đối phó với tội phạm mạng.
– Điều này sẽ khiến Chính phủ, doanh nghiệp Việt tham gia lĩnh vực này đối mặt với những thuận lợi và thách thức nào?
– Với cơ quan quản lý, TPP đòi hỏi các nước thành viên nói chung hoàn thiện hơn nữa hạ tầng pháp lý nội địa nhằm đảm bảo TMĐT có một môi trường phát triển lành mạnh, hướng tới TMĐT xuyên biên giới trong cộng đồng TPP, từ đó, cùng nhau định hướng, xây dựng nền kinh tế số.
Đối với Việt Nam, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định về TMĐT và các văn bản hướng dẫn đều được xây dựng dựa trên các nguyên tắc trong Luật Mẫu về TMĐT của UNCITRAL. Tuy nhiên, để hệ thống pháp lý tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với các cam kết song phương, đa phương cũng như xu hướng, thực tiễn phát triển của TMĐT Việt Nam, chúng ta cũng cần cân nhắc, xem xét về việc tham gia Công ước Chứng từ điện tử, tạo nền tảng giá trị pháp lý vững chắc cho chứng từ điện tử và triển khai sâu rộng trong các giao dịch giữa chính phủ và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy các dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Với TPP, các doanh nghiệp nước ngoài cũng dễ dàng gia nhập thị trường TMĐT Việt Nam. Đây được dự đoán sẽ tạo cú hích cho thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đều có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, việc tham gia của các doanh nghiệp không còn là yếu tố mới, mà được nhận định sẽ tạo ra một xu hướng vận động mới, thừa kế từ các thị trường TMĐT đã phát triển chín muồi như Mỹ, Nhật Bản…
Trong khi đó, việc ưu đãi thuế quan là cơ hội lớn để cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm nội dung số với ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ TPP.
Việc phát triển, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ nội dung số được dự đoán sẽ là một lĩnh vực thu hút sức sáng tạo của các bạn trẻ, đặc biệt các mô hình khởi nghiệp.
– Thưa ông, thanh toán điện tử sẽ có gì thay đổi khi nước ngoài mang công nghệ hiện đại vào?
– Thanh toán giao hàng nhận tiền (COD) trong TMĐT vẫn đang chiếm ưu thế tại Việt Nam với trên 64% giao dịch sử dụng thanh toán COD.
Thói quen sử dụng tiền mặt và lòng tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Vì vậy, giải quyết bài toán thanh toán điện tử phải song hành cùng với việc tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng trong TMĐT.
Vì vậy, khi doanh nghiệp nước ngoài mang công nghệ thanh toán điện tử vào Việt Nam, bên cạnh những tiện ích do công nghệ mang lại, điều cần thiết là phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, đặt niềm tin với phương thức thanh toán hiện đại.
– Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng với tình hình mới?
Về phía doanh nghiệp, họ cần năng động hơn và nắm rõ các nguyên tắc kinh doanh của mô hình mới này nhằm tận dụng, khai thác tối đa các lợi ích do TPP mang lại.
Như vậy, khi đã nắm rõ “luật chơi”, doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ cộng đồng TPP trong việc chuẩn hóa mô hình kinh doanh, được quốc tế hóa thông qua mở rộng mạng lưới quan hệ kinh doanh trong khu vực.
Nhiều doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam hiện nay chọn giải pháp kinh doanh hoàn toàn dựa trên hình thức thanh toán COD mà không sử dụng thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên việc thanh toán bằng COD đem lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp về chi phí, khả năng trả lại đơn hàng cao và hình ảnh chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Vì vậy, việc triển khai các phương thức thanh toán điện tử là cần thiết trong tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị hạ tầng và phối hợp với cơ quan nhà nước để đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến. Hình thức có thể thông qua việc khuyến mại khi sử dụng thanh toán trực tuyến, hoặc hỗ trợ trực tiếp, phối hợp với các ngân hàng.
– Cơ quan quản lý sẽ có những giải pháp gì để thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán điện tử tại Việt Nam?
– Bộ Công Thương là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam. Để thúc đẩy hạ tầng thanh toán cho thương mại điện tử, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia Banknetvn để xây dựng các hạ tầng thanh toán đảm bảo trong TMĐT. Hạ tầng này giúp người bán và người mua có được niềm tin trong giao dịch.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các doanh nghiệp TMĐT, các ngân hàng, tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện để thúc đẩy TMĐT và ưu tiên thanh toán điện tử, ví dụ ngày Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam OnlineFriday. Trong các sự kiện như vậy, chương trình sẽ có những ưu đãi kích cầu nếu người tiêu dùng mua sắm qua hình thức giao dịch trực tuyến, thanh toán bằng thẻ. Đây là một cách hiệu quả giúp người tiêu dùng trải nghiệm việc mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử. Dựa trên trải nghiệm lần đầu, người tiêu dùng sẽ cởi mở hơn với thanh toán điện tử. Đồng thời các ngân hàng, tổ chức thanh toán vào cuộc, cũng sẽ tạo ra hạ tầng ngày càng tốt cho thanh toán trực tuyến.
Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp có tiềm lực và công nghệ để triển khai các giải pháp TMĐT trong đó ưu tiên thanh toán điện tử như các hình thức thẻ thông minh tích hợp thanh toán, sản phẩm POS giúp doanh nghiệp vừa chăm sóc khách hàng vừa nhận thanh toán điện tử.
– Ông hình dung thế nào về thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong 5-10 năm tới?
– Khi ấy, TMĐT hiện diện tại hầu hết các cam kết thương mại song phương và đa phương.
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy vai trò của TMĐT trong việc thúc đẩy kinh tế và tạo xu hướng mới trong thời đại kinh tế số toàn cầu. TMĐT Việt Nam cũng nằm trong xu thế vận động đó và sẽ tạo ra những bước phát triển mới trong thời gian tới. Khi thanh toán điện tử, vấn đề về logistics, đặc biệt lòng tin người tiêu dùng được cải thiện, TMĐT Việt Nam sẽ nắm bắt được những lợi thế từ các cam kết thương mại mà Việt Nam đã tham gia.
Ngày 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin. Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 sẽ là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính. Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF và đăng ký tham dự. Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ. |
Trung Đức