Bộ Công Thương cho biết Tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU – Cecilia Malmstrom ký kết hôm 2/12, sau hơn 3 năm đàm phán với 14 phiên chính thức.
Tuyên bố được ký với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu từ đầu tuần. Hai bên cũng cho biết đã thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để hiệp định có hiệu lực ngay từ đầu năm 2018, nhằm cụ thể hóa những lợi ích tại văn bản này.
Bộ trưởng Công Thương – Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU – Cecilia Malmstrom ký tuyên bố với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Ảnh: AFP |
Với mức độ cam kết đã đạt được, hiệp định được hai phía đánh giá “đã đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển”.
Các nội dung chính của hiệp định gồm: Thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý), phát triển bền vững…
Hiệp định cũng bao gồm cách tiếp cận mới, tiến bộ hơn về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hai bên kỳ vọng văn bản này sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế và giúp tạo thêm nhiều việc làm tại Việt Nam và EU.
Với đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu 2 bên là tính bổ sung mạnh mẽ, các cam kết mở cửa thị trường đạt được sẽ là một cú hích quan trọng, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ôtô, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU…
Việt Nam và EU cũng sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. 1% dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch hoặc cắt giảm thuế quan một phần.
Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong hiệp định sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư với các dự án chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU đã tăng từ 17,75 tỷ USD vào năm 2010 lên 36,8 tỷ USD năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng thương mại hai chiều đạt 19,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xuất khẩu của Việt đạt gần 15 tỷ USD, với các mặt hàng chủ lực là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản…
EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. 23 trong số 28 nước EU đã đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 38,4 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Chí Hiếu