Dưới đây là bài viết chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp do độc giả Phan Hùng (Hà Nội) chia sẻ VnExpress.
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi – một thanh niên 20 tuổi lặn lội từ một tỉnh miền núi phía Bắc xuống Hà Nội bươn chải tìm việc làm. Trải qua nhiều công việc chân tay nặng nhọc, tôi may mắn khi xin vào làm việc cho một công ty sản xuất nước đóng chai. Vốn bản tính chăm chỉ, cầu tiến tôi, tôi được ông chủ cất nhắc từ nhân viên sản xuất, quản đốc, rồi sau đó là trưởng phòng thị trường. Thời gian này, dành ra được chút tiền, tôi đã thi đỗ và hoàn thành lớp Đại học tại chức về kinh tế.
Năm 2005, nhận thấy nguồn cung nước uống đóng chai tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Có chút vốn tiết kiệm, tôi rủ thêm người bạn thân vay mượn tổng cộng có gần 200 triệu đồng để thành lập xưởng sản xuất nước uống đóng chai. Rất nhiều vất vả khi chúng tôi lập nghiệp, song lợi thế kinh nghiệm và sẵn các mối khách hàng trước đó, cơ sở sản xuất của chúng tôi hoạt động cũng thuận lợi.
Chỉ một năm sau, chúng tôi bắt đầu có lãi và một phần vốn quay vòng. Thời điểm 2006-2007, thị trường nước đóng chai của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, thậm chí, khi đó, quanh cơ sở của chúng tôi mọc lên 2-3 công ty sản xuất. Sự cạnh tranh đe dọa đến thị phần, nhưng do sức tiêu thụ lớn đặc biệt tại các khu dân cư và khu công nghiệp vẫn giúp cơ sở có lợi nhuận tiền tỷ. Nhờ đó mà chúng tôi đã mở rộng quy mô sản xuất thành 2 nhà máy. Ngoài Hà Nội, sản phẩm còn phân phối tại nhiều tỉnh lân cận.
Hiện dù có 10 tỷ đồng để khởi nghiệp trở lại, song anh Hùng vẫn không chắc chắn sẽ thành công. |
Bắt đầu từ 2009, cùng lúc nhiều hãng nước giải khát lớn tham gia thị trường nước đóng chai. Sau đó, các dòng máy lọc nước gia đình nhập khẩu bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Chính vậy, khi số lượng khách hàng bắt đầu giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu thì cũng là lúc tôi với bạn làm cùng xảy ra bất đồng. Tôi muốn bán nhà máy, để chuyển sang hướng kinh doanh khác, bạn tôi từ chối. Mối quan hệ căng thẳng kéo dài một thời gian khiến sản xuất đình đốn. Để chấm dứt mâu thuẫn tôi quyết định nhượng lại cổ phần cho bạn. Dù tôi nhận về gần 8 tỷ đồng, nhưng tâm trạng tôi khi đó rất cay đắng.
Đầu năm 2010 tôi bắt đầu thực hiện dự án mới. Nhận thấy các khu đô thị mọc lên ngày càng nhiều, người dân thành thị bận bịu hơn với công việc. Trong nhiều nhu cầu thì dịch vụ giặt là có tiềm năng lớn. Cùng với 2 cộng sự, tôi dành hơn 2/3 số tiền vốn để thuê mặt bằng, xây dựng và lắp đặt dây chuyền giặt là. Đây cũng là thời điểm bắt đầu chuỗi sai lầm của tôi trong kinh doanh lĩnh vực mới.
Thay vì việc tiếp cận dần dần thị trường, sẵn vốn tôi mở rộng văn phòng tại hầu khắp các khu đô thị. Tôi tự tin rằng giặt là là nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình, đặc biệt với những người thành thị. Bằng cách giảm giá khuyến mại, quảng cáo rầm rộ, trong 3 tháng đầu thành lập một lượng khách hàng đáng kể đã sử dụng dịch vụ.
Nhưng sau đó một năm, lượng khách hàng cá nhân liên tục giảm. Chưa kể tôi không thể lường trước tình huống hỏng, mất, thất lạc đồ của khách hàng. Tôi thừa nhận, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có rủi ro, nhưng với lĩnh vực giặt là công nghiệp, dù có tính đến nhiều tình huống, song tôi tôi vẫn không thể nghĩ chính tôi đặt tôi vào cảnh “dở khóc dở mếu”.
Thực tế trong quá trình giặt là, nếu đồ hỏng, phai màu hoặc thất lạc tôi có sẵn sàng đền tiền. Dù vậy, có không ít khách hàng không thành thật, mỗi lần khai báo thì nâng giá trị sản phẩm gấp 3-4 có khi gấp gần 10 lần giá bán thực ngoài thị trường. Gần như tháng nào chúng tôi cũng bù lỗ. Ít thì 50 triệu, nhiều có khi cả 200 triệu. Triền miên nhiều tháng thu không bù chi. Tôi buộc phải đóng cửa một số văn phòng, chi nhánh, cắt giảm nhân viên, để co cụm một số khu đô thị trung tâm. Dù vậy, tình hình không được cải thiện nhiều.
Không còn đường lùi, tận dụng các mối quan hệ tôi chuyển hướng tìm đến khách hàng là khu công nghiệp lớn tại một số tỉnh lân cận đặc biệt là các doanh nghiệp lắp ráp máy móc công nghệ cao FDI. Cũng khá trầy trật, cuồi cùng tôi cũng gặp gỡ và mời chào được với lãnh đạo 4 khu công nghiệp phía Bắc.
Song công suất hiện có của nhà máy chỉ có thể đáp ứng được một nửa tổng đơn hàng họ yêu cầu. Cùng đó, yêu cầu tôi mở rộng quy mô, thậm chí có thể đặt một nhà máy giặt là gần địa chỉ họ để đảm bảo cung cấp kịp quần áo sạch mỗi ngày cho công nhân.
Do phần vốn lưu động trước đó đã phải bù lỗ doanh thu. Tôi tính đến phương án vay ngân hàng để đầu tư mở rộng, song thời điểm 2011-2012 lãi suất quá cao tôi không dám mạo hiểm. Tôi đành tiếc nuối buông bỏ 3 hợp đồng để dành toàn bộ công suất cho một đối tác đến từ Hàn Quốc. Dù vậy, hoạt động kinh doanh của xưởng cũng không mấy sáng sủa bởi các chi phí cho rủi ro quá lớn. Thậm chí, khi đền một bộ quần áo kỹ sư công nghệ cao có khi còn cao gấp nhiều lần so với số tiền người dân bắt đền trước đó.
Đúng lúc tôi rối trí nhất thì chính đối tác mà tôi đang có hợp đồng ngỏ ý mua lại xưởng của tôi. Tôi suy nghĩ nhiều ngày, tham vấn một số người thân, cộng sự tin cậy để thấy vững tâm rằng đồng ý bán công ty không phải là ý chủ quan của mình. Tôi có trong tay 10 tỷ đồng sau thương vụ này.
Xét trên phương diện kinh tế, cả hai lần bán công ty tôi đều không lỗ. So với số vốn ban đầu khi mở xưởng sản xuất nước đến lúc này số tiền tôi có được thậm chí là món hời. Song suy nghĩ về sự thất bại của chính bản thân, đến lúc này cảm giác ê hề vẫn choáng tâm trí tôi. Tôi đã thật sự thất bại bởi phải đánh đổi một tình bạn bằng một mức giá. Rồi chính bản thân phải bán đứt công ty vì nhận định thị trường quá sai lầm…
Giờ đây, 36 tuổi, tôi đang tái khởi nghiệp bằng một dự án mới. Có thể với số tiền hiện có của tôi là mơ ước của nhiều start-up. Song với tôi, đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Không có gì để tôi không dám chắc mình sẽ thành công khi có trong tay 10 tỷ đồng. Bởi bài học hợp tác làm ăn chung với bạn thân, sai lầm khi quá tự tin về bản thân vẫn còn nguyên vẹn.
Phan Hùng