Tháng 8/2011, ông Bùi Quang Vinh nhậm chức Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư sau hơn một năm làm quen với ngành ở cương vị Thứ trưởng. Đứng đầu cơ quan hoạch định, quản lý đầu tư cũng như đo lường sức khỏe của nền kinh tế, nhiệm kỳ mới bắt đầu với ông đầy thách thức. Giữa bối cảnh kinh tế đang có nhiều yếu kém do ảnh hưởng của khủng hoảng bên ngoài lẫn khiếm khuyết bên trong, Đại hội Đảng đặt ra nhiệm vụ lớn – tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Được giao chủ trì một trong 3 trụ cột tái cơ cấu là đầu tư công, đồng thời tham gia vào quá trình “sửa chữa” khu vực doanh nghiệp Nhà nước,trăn trở lớn của vị tân Bộ trưởng là làm sao cải thiện hoạt động đầu tư, nơi mà đồng vốn Nhà nước đang bị sử dụng kém hiệu quả và xin – cho trở thành vấn nạn. Tư tưởng được ông đưa ra là vốn Nhà nước chỉ nên tập trung cho các vấn đề trọng yếu, then chốt, đột phá của Việt Nam.
Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, vị tư lệnh ngành đã triệu tập cuộc họp để tìm giải pháp thay đổi toàn diện đầu tư công, chấm dứt đầu tư dàn trải, xây dựng dở dang, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên.
Kết quả là ngày 15/10/2011, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Văn bản bao hàm nhiều nội dung quan trọng về tái cấu trúc đầu tư công như đề ra nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư vốn, thứ tự các dự án ưu tiên và những chế tài cụ thể với người quyết định đầu tư sai.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh luôn phát biểu thẳng thắn trong các cuộc họp. |
Báo cáo trước Quốc hội sau hai năm triển khai, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả đã được ngăn chặn. Đến năm 2013, đã có hơn 96% nguồn vốn do các bộ ngành đầu tư được kiểm soát, chi tiêu đúng thứ tự. Tỷ lệ vốn đầu tư từ ngân sách giảm dần, từ mức 38,5% GDP năm 2010 về còn khoảng 30-31% trong hai năm trở lại đây.
Quản lý đầu tư công thu được kết quả bước đầu, song băn khoăn lớn với vị trưởng ngành là làm sao chấm dứt được nạn xin – cho khi bố trí vốn. Trước Quốc hội, Bộ trưởng nhấn mạnh “đất nước này cần sự minh bạch” và ông khẳng định cần thiết phải công khai kế hoạch ngân sách trung hạn cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương để họ biết có bao nhiêu tiền trong thời gian tới, ngăn chặn việc “đi xin” và phát sinh tiêu cực.
Luật Đầu tư công do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì có hiệu lực từ 1/1/2015 cùng với 6 Nghị định hướng dẫn thi hành được coi là điểm nhấn cho những hành động tái đầu tư công của Bộ trưởng trong nhiều năm. Văn bản đã chế định toàn diện quá trình đầu tư, quy định về kế hoạch đầu tư trung hạn, khắc phục tình trạng cắt khúc hằng năm. Luật Đầu tư công cũng dành riêng Điều 14 để nói về công khai, minh bạch, góp phần quan trọng khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phòng, chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước.
Trong những năm cuối nhiệm kỳ, ông trăn trở nhiều vấn đề đầu vào của vốn đầu tư. Trong phiên thảo luận Quốc hội ngày 22/10/2015, ông thẳng thắn bày tỏ ngân sách năm 2016 “rất căng”, khiến việc phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia gặp khó khăn lớn, có chương trình bàn mãi mới thu xếp được một phần ba số cần thiết. Tuy nhiên, ngân sách vẫn là câu chuyện dài và không chỉ là tâm tư của riêng Bộ trưởng Vinh.
Bên cạnh đầu tư công, tạo ra môi trường làm ăn thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng là mối quan tâm lớn của vị trưởng ngành. Với quan điểm một đất nước muốn mạnh thì khu vực doanh nghiệp phải phát triển, ông Vinh đã chủ trì sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, có hiệu lực từ 1/7/2015. Ông nhận định từ nay, doanh nghiệp sẽ được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những gì luật cho phép như trước.
Tuy vậy, dù hành lang pháp lý đã được cải thiện, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đội quân xương sống của đất nước vẫn bị ví như “đoàn thuyền thúng ra khơi”, số lượng phá sản, tạm ngừng hoạt động liên tiếp tăng qua các năm. Vị trưởng ngành trăn trở với thực trạng “doanh nghiệp vẫn yếu, quy mô vẫn nhỏ, vẫn ăn xổi, vẫn làm dịch vụ rất nhiều, còn nền tảng sản xuất chính làm rất ít”. Do vậy, ở một quốc gia có tới 90% doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, Bộ trưởng Vinh cho rằng Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2020 nên nhấn mạnh vào làm luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và trong kế hoạch 5 năm sắp tới phải có giải pháp để khu vực này phát triển.
Vị lãnh đạo này cũng đặt tầm nhìn phải khuyến khích được tư nhân tham gia vào các dự án lớn có tác động lan tỏa cao với phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, và Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) từ đó được ra đời.
Đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm số lượng nhỏ nhưng có tài sản lên tới 80% GDP quốc gia, ông Vinh khẳng định phải quyết tâm tái cơ cấu. Đến nay, đề án cấu trúc đã được thông qua, song tiến độ triển khai chậm, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa không đạt kế hoạch. Một trong những giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là phải xử lý nghiêm các lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng trên thực tế, dù tái cơ cấu chậm có nguyên nhân do chủ quan nhưng đến nay vẫn chưa có cá nhân nào bị công khai quy trách nhiệm này về việc này.
Những lời hứa của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh |
Là người xây dựng luật, ông hiểu rõ muốn thay đổi thực chất, cấp thiết vẫn phải là cải cách thể chế. Ông Vinh chỉ ra từ 2008 đến nay, thể chế kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế và sự khác biệt quá lớn so với các nền kinh tế như châu Âu, Mỹ và ngay cả các nước trong khu vực. Điều này đã gây trở ngại cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, dẫn tới méo mó phân bổ nguồn lực và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên và yếu tố con người, làm cho thị trường không phát huy đầy đủ các tính năng vốn có của nền kinh tế. Do vậy, cải cách thể chế sẽ giúp giải quyết cho mọi nút thắt, tồn đọng của nền kinh tế.
Trong cải cách thể chế, ông bộc bạch: “Thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt là luật tốt nhưng người thực hiện không có cái tâm để triển khai, vì lợi ích cá nhân mà hành doanh nghiệp. Đây là tàn dư của bộ máy mà chúng ta vẫn nghĩ là quản lý. Trong bối cảnh đổi mới thể chế, Việt Nam phải chuyển bộ máy từ việc hiểu mình là người quản lý, quản trị sang việc đi phục vụ, bởi chúng ta cần hiểu đang dùng tiền của ai để nuôi bộ máy công chức”.
Song, như Bộ trưởng Vinh từng thừa nhận câu chuyện cải cách này rất cam go và tốn nhiều thời gian, thậm chí có lẽ sẽ tiếp tục đặt áp lực lên nhiệm kỳ tới, bởi nguyên lý đơn giản là “không ai tự chặt chân mình, tự đổi mới mình rất khó”.
Suốt nhiệm kỳ, ông Vinh có lần nhắc đến những năm tháng cống hiến tại tỉnh biên giới Lào Cai với vai trò lớn trong những gì đã làm được cũng như còn tâm tư hôm nay. “Môi trường biên ải khó khăn nhưng là nơi rèn luyện rất tốt, thử thách, kiểm chứng. Những năm tháng sống ở đó bây giờ trở thành kiến thức, kinh nghiệm và giúp tôi có bản lĩnh tốt. Tôi nghĩ đây cũng là một lợi thế của tôi”, ông Vinh chia sẻ.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh sinh năm 1953, quê quán Hà Nội. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt và từng đi tu nghiệp ở Liên Xô cũ (nay là Liên bang Nga) chuyên ngành quản lý kinh tế nông nghiệp. Từ tháng 10/1991 đến tháng 3/2010, ông công tác tại tỉnh Lào Cai, trong đó giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2001-2005 và Bí thư Tỉnh ủy giai đoạn 2006-2010. Hiện tại, Lào Cai được đánh giá là một trong những địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở mức cao tại miền Bắc. Trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm năm 2014, ông đứng thứ ba trong 27 thành viên Chính phủ về số phiếu tín nhiệm cao. |
Phương Linh