Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: ‘Kinh tế 2016 không có nhiều thay đổi’

Tại Hội thảo: “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2016” diễn ra ngày 11/11, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra nhận định trên.

Theo ông Cung, hiện nay kinh tế thế giới có phục hồi, nhưng không đồng đều, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh, khắc phục các vấn đề cơ cấu nội tại và điều chỉnh cách thức tăng trưởng, chuyển sang trạng thái bình thường kiểu mới. Do đó, những thay đổi trên thế giới là khó lường và tác động khó dự đoán.

Với bối cảnh trên, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, nhưng phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài. Vì vậy, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi với những bước đi chậm chạp, nhưng chưa thay đổi về cách thức tăng trưởng, tính bền vững của phục hồi chưa vững chắc.

tien-si-nguyen-dinh-cung-kinh-te-2016-khong-co-nhieu-thay-doi

Kinh tế Việt Nam được các chuyên gia dự báo chưa thể có sự đột phá trong năm 2016. Ảnh: AH

Ông Cung cho rằng, hiện tại, lãi suất cho vay tiếp tục ổn định ở mức cao so với sức chịu đựng và sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Có một số cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng tốc độ và quy mô có thể còn xa mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. 

Mặt khác, Tiến sĩ Cung nhìn nhận, quyền kinh doanh hiện nay được mở rộng hơn, nhưng các rủi ro thể chế, chi phí tuân thủ pháp luật đối với kinh doanh về cơ bản vẫn không thay đổi.

Tại hội nghị, ông Hirotaka Yasuzumi – Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP HCM cũng cho hay, mong muốn đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản rất mạnh mẽ, nhưng nhiều vấn đề đang gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.

Kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam đang rất khó khăn. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải phát triển nhân lực, cải cách kinh doanh trên tầm nhìn dài hạn. Đồng thời Chính phủ phải hỗ trợ những việc này. 

Ông cho rằng, chính sách công nghiệp của Việt Nam phải căn cứ trên thực trạng của ngành và của nền kinh tế để lập kế hoạch và thực hiện. Hơn nữa, phải đặt trọng tâm vào các ngành xuất khẩu sẽ là chủ lực, tư nhân hóa, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Ngoài ra, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, ông cho rằng doanh nghiệp và Chính phủ phải cùng nhau phát triển kỹ thuật, đào tạo nhân lực, cải cách xã hội (hoàn thiện hệ thống tài chính, loại bỏ tham nhũng)  để thực hiện hiệu quả kinh tế theo quy mô và nâng cao trình độ công nghiệp.

Ông Hirotaka Yasuzumi cũng nhấn mạnh, để có thể tận dụng hết các cơ hội đem lại khi môi trường đầu tư ở các nước xung quanh đang kém đi, do TPP, thì hoạt động doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn và việc cải cách thực thi các chính sách công nghiệp có tính chiến lược hỗ trợ cho các hoạt động này là rất quan trọng. 

Về phía ngành ngân hàng, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tại thời điểm này vẫn còn quá sớm để có thể chia sẻ những chỉ tiêu định hướng cụ thể đối với hoạt động tiền tệ, ngân hàng cho năm 2016. Nhưng nhiệm vụ chính của điều hành chính sách tiền tệ là phải kiểm soát được tiền đồng thông qua chỉ tiêu lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước là thành viên của Chính phủ nên nhiệm vụ quan trọng khác mà cơ quan này sẽ phải chú trọng là quản lý các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn.

Bà Hồng cũng cho rằng, tại Việt Nam, nhu cầu vốn của doanh nghiệp dù hội nhập mạnh mẽ vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên việc cân đối vốn vừa phải đáp ứng cho nhu cầu phát triển, nhưng phải đảm bảo an toàn cho hệ thống và thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát. “Đây là những thách thức lớn không thể một sớm một chiều vượt qua được”, bà nói.

Lệ Chi

0913.756.339