Thông tin về việc hàng loạt doanh nghiệp trong ngành rục rịch kế hoạch lên sàn được Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – Vũ Đức Giang chia sẻ tại một hội thảo diễn ra cuối tuần trước. Những cái tên được nhắc tới gồm May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang, Hoà Thọ… Trong đó, Việt Tiến dự kiến hoàn tất thủ tục vào tháng 12 để niêm yết với mã VGG, trong khi May 10 sẽ sử dụng mã M10.
Trước những tên tuổi này, 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM từng có gần 10 doanh nghiệp dệt may niêm yết, với những cổ phiếu khá quen thuộc với giới đầu tư như TCM, TNG, KMR, STK, GIL… Gần đây nhất vào đầu tháng 9, một đại diện khác là Công ty Dệt may G.Home cũng chính thức niêm yết với mã chứng khoán G20. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), số lượng nêu trên vẫn còn rất nhỏ bé so với quy mô khoảng 5.000 doanh nghiệp trong ngành.
Việc doanh nghiệp dệt may chộn rộn với những kế hoạch niêm yết thời gian gần đây được lý giải do nhu cầu vốn phát triển để đón đầu các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp đinh Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán. Theo đó, thuế suất đối với các sản phẩm dệt may của doanh nghiệp trong nước sẽ giảm về 0% tại một loạt thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Canada… song yêu cầu chặt chẽ “từ sợi” cũng đòi hỏi các nhà sản xuất phải phát triển đầy đủ chuỗi cung ứng nội địa.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Hách – Chủ tịch HĐQT G.Home cho biết mục tiêu của doanh nghiệp khi lên sàn là trở thành cái tên hàng đầu trong ngành, thông qua việc huy động vốn để đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là bông. Đơn vị này đã có kế hoạch đầu tư nhà máy bông phía Nam trong năm nay hoặc đầu năm 2016, cũng như nhà máy vải không dệt tại Phú Thọ…
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó phòng Nghiên cứu – phân tích của VietinBankSc, dệt may thế giới đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang đầu tư ở các nước ASEAN: Việt Nam, Campuchia… Do đó, dư địa cho ngành này bứt phá là rất lớn. Các doanh nghiệp cũng vì thế mà liên tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, nhằm gia tăng năng lực sản xuất, hoàn thiện chu trình từ đó nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng hệ thống bán lẻ để khai thác thị trường nội địa. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp đã và đang da dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu, giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Hàng loạt các doanh nghiệp dệt may lớn đang chuẩn bị lộ trình niêm yết trên sàn chứng khoán. |
Với những chuyển biến này, nhu cầu vốn của doanh nghiệp được đánh giá là rất lớn, trong khi việc họ lên sàn cũng mang lại hàng hóa mới và không ít cơ hội cho nhà đầu tư.
“Khi TPP hoàn tất đàm phán hồi đầu tháng 10, các cổ phiếu dệt may lập tức tăng điểm mạnh nhưng không thể tạo ra được một con sóng lớn trên thị trường. Song tới đây, khi hàng loạt các doanh nghiệp lớn niêm yết, cổ phiếu ngành này sẽ rất sôi động, có thể kỳ vọng ngang ngửa với các nhóm cổ phiếu ngân hàng hay dầu khí”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Chia sẻ quan điểm, ông Trần Ngọc Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường tại Công ty chứng khoán MB cũng cho rằng trong trung và dài hạn các nhóm cổ phiếu dệt may chắc chắn sẽ được nhà đầu tư săn đón, khi được hưởng lợi lớn cùng lúc từ các FTA mà Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu, EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP.
Riêng trong năm 2015, các chuyên gia này cho biết hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều kín đơn hàng, giá nguyên phụ liệu đầu vào giảm giúp họ cải thiện biên lợi nhuận. Hiện nay, dệt may Việt Nam cũng đã sản xuất và xuất khẩu được 5 mặt hàng mũi nhọn: Quần áo, sợi các loại, vải, nguyên phụ liệu, vải kỹ thuật dùng để làm đường hay làm lốp ôtô…
Nói về triển vọng ngành, Chủ tịch Hiệp hội – Vũ Đức Giang cho hay, ngay cả khi chưa có TPP ngành dệt may đã luôn bứt phá khi tốc độ tăng trưởng luôn đạt trung bình 17-18% một năm. Dự báo toàn ngành sẽ tăng trưởng trung bình 25% khi TPP có hiệu lực. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm đã đạt trung bình 50% và mục tiêu trong 3 năm tới sẽ tăng lên 70%.
“Trên thực tế dệt may khi chưa có TPP đã thu hút rất mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, ngành dệt may đã thu hút tới 3,5 tỷ USD rồi”, ông Giang nói và khẳng định khi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư sẽ tạo điều kiện hoàn thành chuỗi cung ứng dệt may, tăng tỷ lệ nội địa hoá, cùng hưởng lợi từ quá trình hội nhập.
Theo chiến lược phát triển ngành dệt may từ 2018-2040, Việt Nam sẽ là công xưởng dệt may của khu vực, có ảnh hưởng toàn cầu chỉ đứng sau Trung Quốc. “Chính phủ đặt mục tiêu cho ngành dệt may đến năm 2020 giá trị xuất khẩu phải đạt 30 tỷ USD, năm 2030 xuất khẩu 64-67 tỷ USD, nhưng chúng tôi dự kiến năm nay đã đạt 28 tỷ USD, vượt kế hoạch 5 năm. Dự kiến đến năm 2020 xuất khẩu có thể đạt 50-55 tỷ USD hoặc có thể hơn.”, ông Giang nói.
Theo đó, hiện hàng loạt các khu công nghiệp dệt may lớn đang được xây dựng nhằm đón đầu xu hướng này. Đáng chú ý tỉnh Nam Định sẽ trở thành tâm điểm của ngành dệt may với 3 khu công nghiệp dệt may là Bảo Minh, Rạng Đông và khu đất đang đàm phán mua lại của Vinashin.
Tuy nhiên, ông Giang cũng nói rõ 3 thách thức lớn nhất của ngành dệt may cần khắc phục là chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện chiến lược quy hoạch ngành đến năm 2040 trong đó vấn đề nan giải là tự chủ nguồn nguyên phụ liệu, và vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đó, ông Giang kiến nghị lên Chính phủ sớm triển khai quy hoạch các khu vực lớn tại 3 miền Bắc – Trung – Nam để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất vải, bao gồm cả dệt, nhuộm và hoàn tất.
Bạch Dương