Ngày 29/10, bà Phạm Chi Lan có cuộc trao đổi với báo chí tại TP HCM xung quanh vấn đề TPP (Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) để làm rõ hơn những cơ hội, thách thức và mong muốn Việt Nam cần có những hướng đi cụ thể để tận dụng tối đa cơ hội từ hiệp định này, chứ không nên hô hào suông và tự ảo tưởng.
– Trước hết, bà nhìn nhận thế nào về việc Việt Nam vừa đàm phán thành công tham gia Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương?
– Khi tham gia vào bất cứ hiệp định thương mại nào thì Việt Nam cũng sẽ có những cơ hội và thách thức nhất định. Và trong Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP cũng vậy, chúng ta không nên quá tô hồng mà quên đi những thách thức cần phải giải quyết.
Mặt khác, tôi cho rằng, nếu cứ ngồi đó hô hào là sau 10 năm nữa sẽ có 35 tỷ USD khi gia nhập TPP thì càng ảo tưởng hơn. Bởi TPP là bài toán phức tạp chứ không hề đơn giản. Muốn có được kết quả đó thì phải bắt tay vào triển khai, thực hiện quyết liệt mới mong tận dụng được cơ hội, còn không thì 50 năm cũng chẳng có gì.
Bởi TPP không phải là hiệp ước thương mại tự do duy nhất của Việt Nam. Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã ký rất nhiều FTA với ASEAN, ASEAN +, Hàn Quốc, Chile, Liên minh Nga-Kazakistan-Belarus, EU…, nhưng kết quả của các FTA này đến nay vẫn chưa có nhiều, vì ngoài những doanh nghiệp FDI, công ty nội địa Việt chưa đủ sản phẩm và dịch vụ chất lượng, giá trị cao để xâm nhập những thị trường này.
– Khi tham gia TPP, nhiều người đánh giá Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất vì là nước mà kinh tế phát triển ở mức thấp nhất trong số các nước TPP. Vậy ý kiến của bà thế nào?
– Trước hết, về vấn đề lợi ích khi tham gia TPP, tôi cho rằng, khi người ta nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất là do họ dựa trên một vài nghiên cứu được công bố của các chuyên gia, chủ yếu là ở Mỹ, nói rằng tham gia TPP thì các nước thành viên đều có thể có sự tăng trưởng về xuất khẩu, về GDP…Và so sánh với mức độ hiện nay, Việt Nam có thể có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỷ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, không xác đáng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng là Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước khi tham gia công tác tư vấn, phản biện chính sách đối với doanh nghiệp. |
Tôi lấy ví dụ, một nước thành viên đang có GDP 10.000 USD, khi vào TPP thì tăng được thêm 1.000 USD, tức là chỉ tăng được 10%. Còn Việt Nam đang có GDP 100 USD, vào TPP tăng thêm 100 USD, tức tăng 100%. Từ con số này, nếu nói Việt Nam hưởng lợi nhất là không đúng, mà chính xác là các thành viên khác đã tăng gấp Việt Nam 10 lần, chứ không phải chúng ta tăng gấp 10 lần họ (tức 1.000 USD so với 100 USD).
Như vậy, Việt Nam đạt tỷ lệ cao chủ yếu là do có điểm xuất phát thấp. GDP của Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ nhất, tính theo bình quân đầu người, trong 12 nước thành viên TPP. Cho nên, Việt Nam có thể có tốc độ tăng cao so với chính mình (chẳng hạn tăng 100%, còn các nước lớn chỉ tăng 10%), nhưng ngay cả có tăng với tốc độ cao thì khoảng cách giữa Việt Nam và các nước thành viên khác của TPP vẫn còn rất lớn. Mỗi 1% tăng trưởng của Việt Nam là rất nhỏ so với các nước thành viên TPP khác.
– Bên cạnh việc ký kết các FTA khác, giờ Việt Nam lại tham gia vào TPP nên ngành xuất khẩu được kỳ vọng sẽ có cơ hội tăng mạnh. Ý kiến của bà về vấn đề này?
Tôi dẫn lời của Giáo sư Trần Văn Thọ từng nói, với những nước đang phát triển mà tham gia quá nhiều thương mại tự do thì sẽ không đủ lực để phát triển. Do đó, câu hỏi đặt ra lúc này là việc Việt Nam tham gia nhiều vào các hiệp định, nhất là TPP thì xuất khẩu có thật sự sẽ tăng mạnh hay không?
Theo tôi, điều này là khó. Vì thực tế nước ta đã bán hầu hết những tài nguyên thô rồi thì lấy đâu ra tiềm lực để thúc đẩy xuất khẩu, trừ khi có những đột phá về kinh tế. “Thật sự mà nói thì Việt Nam đang rơi vào tình trạng chưa thành công nghiệp hoá nhưng đã ‘lão hoá’ rồi”.
– Vậy theo bà, việc Việt Nam tham gia TPP thì đối tượng nào sẽ được hưởng lợi nhất?
– Việc xem xét những lợi ích từ TPP mang lại có vào được túi các doanh nghiệp Việt, người dân hay không cũng là vấn đề cần phải bàn.
Bởi hiện nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI đang chiếm ưu thế (chiếm 72% xuất khẩu). Chúng ta vẫn hay nói hằng năm ngành dệt may tăng trưởng lớn, trị giá xuất khẩu vài chục tỷ USD, nhưng phải xem rõ đó là do khu vực nào xuất khẩu, phải chăng vẫn là doanh nghiệp nước ngoài, còn doanh nghiệp Việt là rất hiếm hoi.
Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là gia công, thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, thì hiện các doanh nghiệp Trung Quốc thi nhau chuyển công nghệ, lao động sang Việt Nam để làm. Như vậy, cuối cùng thì họ vẫn là người bán sợi cho các công ty may Việt Nam và hưởng lợi. Còn ta chỉ là hưởng được một phần lợi ích rất nhỏ.
Đó là chưa kể hiện nay doanh nghiệp trong nước đang gặp phải rất nhiều rào cản như thuế phí, các khoản lót tay.., thì còn đâu lợi nhuận đầu tư cho cải tiến công nghệ kỹ thuật, chiến lược để cạnh tranh, phát triển và thâm nhập vào thị trường khác. Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát rất thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn cao, rất khó hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.
Còn với nông dân, chúng ta luôn nói nhiều đến chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết…, nhưng nếu không có bàn tay của Nhà nước thì người dân và doanh nghiệp khó có thể làm được gì. Nó phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt, thuận lợi và công bằng với các doanh nghiệp.
Do đó, tôi lo lắng các hiệp định TPP, FTA nếu không có những sách lược tốt thì cái lợi chủ yếu rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài và một nhóm rất nhỏ người Việt Nam chứ không phải là đa số dân Việt.
– Vậy theo bà, Việt nam cần phải làm gì để có thể tận dụng được tốt hơn những cơ hội từ TPP?
– Trước hết là bài toán cải tiến công nghệ. Trong các nước tham gia TPP thì Việt Nam xếp ở hàng thấp nhất về trình độ công nghệ dù đây là yếu tố mà ai cũng biết là vô cùng quan trọng đối với năng lực cạnh tranh. Đây là vấn đề thuộc về tầm quốc gia và phải được Nhà nước ưu tiên quan tâm chứ không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.
Vấn đề cấp thiết thứ hai là Việt Nam phải cải cách thể chế thật quyết liệt vì đây đang là lực cản với sự phát triển của doanh nghiệp. Việc cải cách thể chế này phải được triển khai ở từng vị trí trong bộ máy Nhà nước và cần phải đặt ra yêu cầu huấn luyện lại cán bộ. Nếu không sẽ không có thay đổi gì vì người này chờ người kia, và không ai chịu trách nhiệm, mọi thứ sẽ giẫm chân tại chỗ.
Lệ Chi