Ngành Giao thông muốn có thêm nhiều tuyến buýt, taxi đường thủy

Đây là chủ đề nhận được nhiều ý kiến đồng thuận tại cuộc họp về quy hoạch đội tàu vận tải thủy Việt Nam giai đoạn 2015-2020 diễn ra cuối tuần này.

Vụ trưởng Vận tải – Trần Bảo Ngọc cho biết việc phát triển đội tàu thủy nội địa hiện quá nghiêng về vận chuyển hàng hóa mà chưa quan tâm đúng mức cho hành khách. Điều này càng phải được lưu tâm trong bối cảnh giao thông nội đô tại nhiều đô thị lớn ngày một căng thẳng.

“Tôi từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP HCM kinh doanh tàu cao tốc hai thân để vận tải khách nội đô rất tốt, rất phù hợp. Chỉ tiếc rằng sau giai đoạn phát triển nóng, doanh nghiệp lại lao đao khi năng lực quản trị chưa cao, không có định hướng sâu, thậm chí khó khăn một tí là nguy cơ phá sản”, ông Ngọc nói.

nganh-giao-thong-muon-co-them-nhieu-tuyen-buyt-taxi-duong-thuy

Tàu cao tốc được một doanh nghiệp nội tại TP HCM lắp ráp để chở khách trên các tuyến pha sông biển.

Đại diện cơ quan quản lý cho biết đây là hướng đi mới cần được ủng hộ và Bộ Giao thông đang rà soát các chính sách cho vận tải thủy nói chung cũng như xây dựng khung chính sách mới để ngày càng có nhiều xe buýt, taxi thủy, góp phần giải quyết tốt hơn bài toán giao thông công cộng các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng – Lê Văn Bửu thừa nhận, thành phố này đang ngày càng có nhiều “xe buýt thủy” nội đô trên sông Hàn và các tuyến liên tỉnh như từ Đà Nẵng đi Cù lao Chàm để phục vụ du lịch.

Tương tự, ông Bửu cho biết các tỉnh lân cận tại miền Trung như Huế, Quảng Nam, Quảng Bình vận tải thủy đô thị ngày một phát triển như trên sông Hương, sông Hoài, sông Son… song chính sách, khung pháp lý với loại hình này còn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Lê Văn Doanh – Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông Quảng Ninh, địa phương rất muốn phát triển dịch vụ xe buýt thủy, nhất là để vận tải khách du lịch cả trong Vịnh Hạ Long và từ bờ ra các đảo. “Nhưng các tiêu chí chung cho tàu thủy chở khách rất hạn chế. Chúng tôi đang rất mất công sức nghiên cứu, xây dựng để quản lý đội tàu này”, ông Doanh nói đồng thời thừa nhận hiện quy chế chung do liên ngành ở địa phương ban hành đang không theo kịp sự phát triển.

Đại diện tỉnh này cũng than phiền, việc đầu tư cơ sở hạ tầng (ngoài phương tiện) như cầu cảng, bến thuyền để đáp ứng nhu cầu phát triển rất khó khăn vì ngân sách cho đường thủy quá ít ỏi so với đường bộ. “Trong khi kêu gọi tư nhân đầu tư vào bến cảng rất khó vì phí thì cảng vụ thu còn kinh doanh dịch vụ không đem về nguồn thu hấp dẫn”, ông Doanh phân tích.

Thứ trưởng Giao thông – Nguyễn Nhật thừa nhận, tiềm năng giao thủy nội địa còn quá lớn, mà nói như đại diện Ngân hàng thế giới “là cả kho vàng” nhưng Việt Nam chưa tận dụng hết.

Ông Nhật nhớ lại, gần hai năm trước, Cục Hàng hải đã mất cả năm trời để rà soát hàng trăm văn bản, bãi bỏ hàng chục quy định như cấp phép ra vào bến thủy, thu tiền chồng chéo giữa cảng vụ hàng hải với bến thủy nội địa. Nhờ đó đã lôi kéo được nhiều doanh nghiệp đưa tàu vào khai thác các tuyến vận tải pha sông biển từ Quảng Ninh – Quảng Bình và Quảng Bình – Ninh Thuận.

“Khi ấy rất nhiều ý kiến hồ nghi nhưng đến nay, sau gần một năm hoạt động, Quảng Ninh – Quảng Bình trở thành tuyến có mật độ vận tải rất lớn. Vận tải ven biển như một cú “hà hơi thổi ngạt” cho hàng chục doanh nghiệp vận tải biển khi thị trường sa sút, tàu bè thi nhau nằm bờ hoặc cầm cự chạy lỗ”, ông Nhật nhìn nhận.

Dù vậy, vị Thứ trưởng thừa nhận, việc nguồn vốn đầu tư cho giao thông thủy còn hạn chế. Nhà nước đã có một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư đường thủy song vẫn chưa khiến tư nhân hào hứng.

“Dự kiến trong tháng 11 này, khi ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa, Bộ Giao thông sẽ có những bổ sung về cơ chế trong điều kiện cho phép để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường thủy, tạo thuận lợi cho vận tải thủy phát triển”, ông Nhật cho hay.

Chí Hiếu

0913.756.339