40.000 xe công ‘ngốn’ gần 13.000 tỷ đồng mỗi năm

Thông tin trên được ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) đưa ra tại cuộc họp báo chiều 23/10. Theo đó, cả nước hiện có gần 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước.

Cục Quản lý Công sản tính toán chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…). Như vậy, ước tính mỗi năm, chi phí để nuôi xe công có thể ngốn 12.800 tỷ đồng. Cục trưởng Trần ĐứcThắng cho rằng mức chi như vậy trong cảnh ngân sách còn khó khăn là chưa phù hợp.

40000-xe-cong-ngon-gan-13000-ty-dong-moi-nam

Quy định mới của Bộ Tài chính có thể giúp giảm 7.000 xe công. Ảnh: N.M

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Công sản cũng nêu ra nhiều vấn đề trong hoạt động mua sắm xe công hiện nay. Một trong số đó là quy định về thời gian, số km sử dụng chưa phù hợp với thực tế; việc sử dụng xe sai đối tượng, xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn vẫn diễn ra…

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32 với nhiều quy định khắt khe và hợp lý hơn để quản lý việc mua sắm, sử dụng xe công hiện nay.

Cụ thể, cơ quan này thống nhất nguyên tắc không tăng số lượng xe công và siết chặt điều kiện sử dụng hơn trước. Mỗi đơn vị sẽ chỉ có một đến hai chiếc xe phục vụ công tác chung. Theo tính toán, hiện có 24.460 xe đang được phục vụ công tác này và con số này có thể sẽ giảm 7.000 chiếc nhờ quy định mới.

“Như vậy mỗi năm, ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng”, ông Thắng tính toán. Với quyết định mới, chỉ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.

Quy định mới cũng đề ra định mức đối với việc thuê dịch vụ xe ôtô và khoán kinh phí sử dụng theo giá thị trường dựa trên khoảng cách thực tế từ nhà ở đến nơi làm việc hoặc khoảng cách thực tế đi công tác, đơn gia bình quân của phương tiện vận tải công cộng. Bộ Tài chính nhận định đây sẽ là một bước thay đổi lớn. Quy định này tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật và chuyển sang cơ chế thuê, khoán được nhiều nước đang áp dụng.

Ngoài ra, theo Quyết định 32, việc mua sắm ôtô công sẽ được triển khai theo phương thức mua sắm tập trung. Nếu thực hiện được cách này, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15% trên tổng giá trị mua sắm.

“Chi mua sắm tài sản nhà nước hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng một năm. Như vậy, nếu triển khai mua sắm tập trung toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ như ở một số nước thì hàng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Bởi vì mua sắm với số lượng lớn giá mua sẽ giảm. Bên cạnh đó, mua sắm tập trung giúp giảm đầu mối thực hiện và chi phí để tổ chức đấu thầu”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Cũng theo cơ quan này, hằng năm, cả nước có hàng chục nghìn đơn vị cùng tiến hành các thủ tục về đầu thấu mua sắm những loại tài sản như nhau. Khi thực hiện mua sắm tập trung, việc này sẽ được hạn chế và chỉ thực hiện một hoặc một số cuộc đầu thầu trong năm.

Theo phương án tại Quyết định 32 thì từ hàng chục nghìn đầu mối mua sắm sẽ giảm còn khoảng 170 đầu mối mua sắm tập trung. Cụ thể gồm: 2 đơn vị mua sắm tập trung cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và 126 đầu mối của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Thanh Lan – Ngọc Tuyên

0913.756.339