Năm 2012, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) trở thành tâm bão khi cơ quan kiểm toán nước này đề nghị họ mang vàng dự trữ về nước, do chúng chưa được kiểm đếm lần nào. Tuy nhiên, Bundesbank không nghe theo, chỉ cho biết họ không việc gì phải “nghi ngờ về sự thống nhất, danh tiếng và độ an toàn của những khoản tài sản gửi ở nước ngoài” của cơ quan này.
Câu trả lời này sau đó đã được chứng minh là chỉ càng khiến các nghi ngờ tăng cao. Thậm chí, có người cho rằng chẳng biết chỗ vàng dự trữ này có thật hay không.
Phản ứng lại các bình luận này, tháng 1/2013, Bundesbank lại thông báo bắt đầu chuyển vàng về Paris và New York. Một năm sau, Đảng Tự do Dân chủ – vốn ủng hộ chuyển vàng về nước, bị đẩy khỏi Chính quyền của bà Angela Merkel. Người phát ngôn của Chính phủ liên minh lại tuyên bố “Người Mỹ đang bảo quản rất tốt vàng của chúng ta”.
Danh sách liệt kê từng thỏi vàng được đăng trên website Bundesbank hôm nay. Ảnh chụp màn hình |
Việc này có thể sẽ chìm vào quên lãng, nếu không có các chiến dịch của các nhà hoạt động, như Peter Boehringer chẳng hạn. Các bài viết trên blog của ông thường xuyên nói về việc phải “đưa vàng của chúng ta về nước” và đề nghị có câu trả lời bao nhiêu vàng đang được giữ tại New York. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề Bundesbank tuyên bố họ có danh sách đầy đủ vàng dự trữ nhưng không công bố, vì lý do an ninh.
Dù vậy, đến sáng nay, cơ quan này đã thay đổi ý định. Họ công bố luôn trên website danh sách tất cả vàng dự trữ và nơi cất giấu. Danh sách này rất dài, tới 2.302 trang, và cũng rất chi tiết. Từng thỏi được liệt kê đầy đủ nơi cất, số lưu kho, cân nặng và cả độ tinh khiết.
Bloomberg cho rằng có lẽ Bundesbank đã học được bài học nào đó, và nhận ra nếu nghe theo cơ quan kiểm toán từ năm 2012, họ sẽ tránh được cả mớ rắc rối như thế này. Hoặc cũng có thể họ đã quá mệt mỏi với yêu cầu của mọi người, và công bố luôn dữ liệu cho những ai nghi ngờ, để khiến những người này bận rộn với việc điều tra trong một khoảng thời gian kha khá nữa.
Hà Thu