Ngân hàng Nhà nước cũng dự báo một số chỉ tiêu tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong năm 2015. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%. Lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, đảm bảo khả năng thanh toán và an toàn hệ thống.
Nhà điều hành cam kết thời gian tới sẽ triển khai các giải pháp tín dụng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng vốn cho nền kinh tế; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các ngân hàng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động.
Tín dụng 2015 dự báo tăng 12-14%. |
Nhìn lại từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tổng phương tiện thanh toán diễn biến phù hợp với kinh tế vĩ mô, tiền tệ và các giải pháp điều hành.
Đến ngày 22/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,93% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 9,79% so với cuối năm ngoái, trong đó huy động vốn bằng tiền đồng tăng 10,94%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 2,82%. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm ngoái, dự phòng khả năng chi trả tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân.
Một điểm sáng nữa là đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô, thị trường tiền tệ để giảm lãi suất cho vay, góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8% mỗi năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến khoảng 9-10% một năm đối với ngắn hạn; 10,5-12% một năm đối với trung và dài hạn. Trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả lãi suất cho vay chỉ 6-7%.
Lãi suất của các khoản vay cũ cũng được các nhà băng tích cực giảm. Đến cuối tháng 8/2014, dư nợ cho vay bằng tiền đồng có lãi suất trên 15% một năm chiếm 4,3% tổng dư nợ, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013.
Riêng về tín dụng, nhà quản lý cho biết mức tăng trưởng dư nợ đối với nền kinh tế chưa cao, nguyên nhân chủ yếu do sức hấp thụ vốn vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh…
Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 22/9 tăng 6,62% so với cuối năm 2013, trong đó tín dụng bằng tiền đồng tăng 4,39%, bằng ngoại tệ tăng 20,77%. Như vậy, so với mục tiêu 12% thì vẫn còn nửa chặng đường. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng khá cao. Đến cuối tháng 8/2014, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 6,1%, xuất khẩu tăng 4,37%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 12,73%, công nghiệp hỗ trợ tăng 6,12%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,57%; tín dụng bất động sản có xu hướng phục hồi, tăng 9,85%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện tín dụng tăng chậm, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của các tổ chức tín dụng là gián tiếp đầu tư vốn vào nền kinh tế, góp phần thực hiện được hạn mức ngân sách 5,3% GDP như Quốc hội đã phê duyệt nhằm kích thích nền kinh tế. Đến cuối tháng 8/2014, đầu tư, kinh doanh trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng tăng 21,56% so với cuối năm 2013.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho biết công tác điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối khá linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô, cung-cầu ngoại tệ. Trong hơn 8 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục (trên 35 tỷ USD).
Lệ Chi