Mua chiếc TV mới hay sắm các mặt hàng qua kênh trực tuyến là lựa chọn hợp lý bởi người dùng có thể dành hàng giờ so sánh những kiểu dáng khác nhau và cân nhắc. Quá trình mua sắm này không bị quấy rầy bởi những tràng tư vấn của các nhân viên cửa hàng. Nhưng mua một con dê lại là chuyện khác.
Người Hồi giáo trên khắp thế giới bắt đầu kỷ niệm lễ Eid-al-Adha (lễ Hiến Sinh) vào thứ 6 bằng cách hiến tế gia súc và chia sẻ thịt với gia đình, bạn bè. Truyền thống bắt nguồn từ câu truyện cổ của người Hồi giáo, để tưởng nhớ việc Ibrahim sẵn sàng hy sinh người con trai Ismail thể theo yêu cầu từ Đấng tối cao.
Dê hoặc cừu đang được bán trực tuyến tại Ấn Độ |
Ngày nay, việc cử hành dịp lễ trọng đại này có một số thay đổi. Theo những người am hiểu công nghệ ở Ấn Độ, không cần phải chịu đựng mùi hôi thối và sự chen chúc, ồn ào trong các khu chợ gia súc, thay vào đó người mua có thể thoải mái ngồi ở nhà và chọn một con dê sống trên Internet.
Chợ trực tuyến OLX bán hàng trăm con dê trên khắp Ấn Độ, giá từ vài USD hoặc có thể lên đến 10.000 USD một con. “Khỏe mạnh”, “hấp dẫn”, thậm chí “dễ thương” là các trang chủ đề về những chú dê được bày bán trên website mô tả.
Hầu hết khách hàng muốn gặp trực tiếp người bán để kiểm tra những con cừu hoặc dê trước khi hoàn tất việc mua sắm. Ông Aditya Sanjit, một khách hàng nói: “Tôi đã gọi ba người bán hàng và có đến thăm họ vào thứ ba để kiểm tra những con cừu. Tôi từng mua rất nhiều thứ trực tuyến vì nó thuận tiện, nhưng riêng với cừu, tôi muốn nhìn thấy chúng trực tiếp rồi mới quyết định mua hay không”.
Nhưng vẫn có một vài trở ngại đối với mô hình này. Vijay Kumar, một sinh viên ở thị trấn Faizabad, miền trung Ấn Độ đã tìm cách kiếm tiền trong dịp lễ Hiến tế bằng việc buôn bán dê. Kumar không có máy tính, nhưng mới đây phát hiện có thể kết nối Internet thông qua chiếc điện thoại thông minh của mình.
“Bạn bè nói với tôi về website OLX vì vậy tôi mở trang web này lên, đăng một bức ảnh con dê của mình và đưa ra giá cả”, Kumar nói.
Một khách hàng đã gọi cho Kumar từ Mumbai, cách nơi anh đang ở khoảng 1.500km về phía Tây. Vị khách muốn Kumar vận chuyển chú dê đến tận nhà. Tuy nhiên, điều này là bất khả thi với cậu. Đó là đơn đặt hàng duy nhất cậu sinh viên này nhận được.
Người bán hàng trên khắp Ấn Độ đã đăng quảng cáo về các động vật hiến tế trên 2 website chợ điện tử OLX và Quickr. Một người bán từ Madhya Pradesh nói rằng kinh doanh trực tuyến tốt hơn so với các thị trường truyền thống. “Buôn bán online tốt hơn so với việc chờ đợi khách hàng trong các khu chợ, nơi phải phụ thuộc vào những người môi giới,” Ahmed Bilal, một tiểu thương đến từ Chhindwara, bang Madhya Pradesh cho biết.
Những người bán hàng lựa chọn kinh doanh trên chợ trực tuyến thường đã có kinh nghiệm phong phú nhưng không nhiều khách hàng sẵn sàng mua cừu và dê trên mạng. Tuy nhiên, kinh doanh online trong lĩnh vực này được đánh giá sẽ phát triển theo từng năm.
Dịp lễ Hiến tế năm nay tại Ấn Độ, tiểu bang Maharashtra có số lượng tiểu thương kinh doanh động vật hiến tế trên thị trường trực tuyến nhiều nhất, tiếp theo là các tiểu bang Kerala, Telangana, Karnataka, Tamil Nadu, Madhya Pradesh,…
CNN liên lạc với hàng chục người bán dê trực tuyến trên các chợ điện tử bao gồm OLX và Quickr và không đạt được cuộc gia dịch thành công nào.
“Chúng tôi không thể đánh giá một con vật chỉ bằng cách nhìn vào hình ảnh trên một trang web. Liệu con dê có hoàn toàn khoẻ mạnh? Mua sắm trực tuyến cũng có vẻ thú vị, nhưng với tôi, nó không phù hợp cho lắm”, Tehseen Ahmed, một người Hồi giáo tìm mua dê trong tuần vừa rồi cho biết.
Ấn Độ bùng nổ tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử. Theo một báo cáo gần đây của Morgan Stanley, thị trường Internet Ấn Độ sẽ tăng từ 11 tỷ USD trong năm 2013 đạt mức 137 tỷ USD vào năm 2020.
Nhưng ngay cả đối với những người dùng mới trẻ và mạnh dạn, vốn là nhóm đối tượng khách hàng khá dễ tính, thì thị trường dê vẫn khá xa vời, ít nhất là trong năm nay. Những người bán hàng không vì thế mà kém lạc quan. “Tôi sẽ đợi thêm một năm nữa để bán những chú dê của mình. Tôi tin may mắn sẽ đến vào năm tới,” Sameer Thakur, một người bán hàng đã không thành công trên OLX tuần trước cho biết.
Kim Thoa (tổng hợp)