Những cửa hàng này được thiết kế giống hệt Apple Store, từ các nhân viên mặc áo phông xanh mang logo trắng của Táo Khuyết, cho đến các mẫu iPad và Apple Watch bày trên bàn gỗ. Tuy nhiên, hãng sản xuất smartphone lớn nhì thế giới chỉ có một cửa hàng chính thức tại Thâm Quyến, và 5 cửa hàng được ủy quyền trong khu vực này.
Vì vậy, phần lớn các cửa hàng trên khu phố này là ủy quyền “giả”, dù họ bán hàng thật. Và số cửa hàng như thế này ngày càng mọc lên như nấm trước ngày iPhone 6S và 6S Plus được bán chính thức hôm nay, Reuters cho biết.
Việc cho thấy Apple đang ngày càng được ưa chuộng tại Trung Quốc. Doanh thu quý III của hãng tại thị trường này đã gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 13 tỷ USD. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhì của Táo Khuyết.
iPhone 6S và iPhone 6S giả được bày bán tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
“Trung Quốc có nhiều Apple fan lắm. Rất nhiều người sẵn sàng trả thêm tiền chỉ để có iPhone trước người khác”, nhân viên một cửa hàng Apple Store nhái cho biết.
Apple thường xuyên gặp vấn đề khan hiếm nguồn cung, đặc biệt trong những năm họ thay đổi thiết kế. Phiên bản iPhone mới nhất có màn hình lớn và tuổi thọ pin dài hơn. Những thiết bị này sẽ đến tay người dùng Trung Quốc đúng hôm nay, với điều kiện họ đặt trực tuyến từ trước. Nhưng Apple trước đó cho biết nhu cầu đã vượt nguồn cung.
Các cửa hàng không được ủy quyền tại Thâm Quyến đã không bỏ qua cơ hội này. Họ đã mua các thiết bị từ kênh phân phối chính thức với giá gấp đôi, để phục vụ các khách hàng không sẵn sàng chờ đợi hàng tuần để có sản phẩm. Những cửa hàng này cũng nhận đặt trước, nhưng cho biết khách hàng sẽ nhận được điện thoại mới từ hôm nay.
Một số nhân viên cho biết họ đang mua iPhone tại cả Trung Quốc và các thị trường bên ngoài, như Mỹ hay Hong Kong (Trung Quốc). Từ đây, chúng được buôn lậu qua biên giới để vào Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho biết sự hiện diện của các cửa hàng này có thể là điều tốt với Apple. Do chúng giúp họ tăng hiện diện trên khắp cả nước. Tại Trung Quốc, Apple mới có 22 cửa hàng trong quý III. Kế hoạch của họ là nâng con số này lên 40 vào giữa năm tới.
Tuy nhiên, sự tràn lan của các cửa hàng không được ủy quyền bán sản phẩm chính hãng này sẽ khiến các công ty như Apple càng khó quản lý thương hiệu và rủi ro. Washington đã nhiều lần gây sức ép buộc Bắc Kinh tăng cường bảo hộ quyền sử hữu trí tuệ tại nước này. Đây cũng là vấn đề sẽ được bàn bạc trong chuyến thăm Mỹ tuần này của Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình.
Khi các cửa hàng như thế này đang mọc lên như nấm, đợt kiểm tra gần đây nhất của giới chức Trung Quốc đã phần nào khiến họ phải thận trọng. Một số đã phải bỏ biển hiệu đề “đại lý được ủy quyền của Apple”, các bảng quảng cáo khuyến mãi, đồng thời che lại logo Táo Khuyết trên đồng phục nhân viên. Dù vậy, một vài cửa hàng ven đường cho biết việc kinh doanh của họ cũng không bị ảnh hưởng.
Một số nhà phân tích thì cho rằng số cửa hàng Apple nhái đã quá nhiều. Việc họ phải đóng cửa bớt khi thị trường bão hòa chỉ còn là vấn đề thời gian.
Yang Fei – người chuyên giúp các đại lý không được ủy quyền lập cửa hàng cho biết có lẽ đã đến lúc những người này nên cân nhắc chuyển sang thương hiệu khác. “Cứ nhìn số cửa hàng ngoài đường này mà xem, bán đồ Apple sẽ dần trở nên khó khăn thôi. Có lẽ chuyển sang bán hàng Huawei sẽ tốt hơn”, bà nói.
Hà Thu