Bà chủ lạp xưởng tham vọng cạnh tranh với McDonald’s

Sinh năm 1977 tại vùng đất Thủ Thừa (Long An), chị Ngô Thị Xuân Đến từ lâu đã tâm đắc với đặc sản lạp xưởng quê hương. Suốt 20 năm làm việc, kinh doanh tại TP HCM, mỗi lần về quê chị lại thấy tiếc cho món ngon quê nhà khi chưa được nhiều người biết đến. Ngược lại, ở thành phố, những món ăn nhanh nước ngoài lại du nhập ngày một nhiều.

“Khi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s đầu tiên được khai trương tại TP HCM, hàng trăm người đã xếp hàng đợi hàng tiếng đồng hồ chỉ mua một ổ bánh, trong khi bánh mì Việt, vốn được ca ngợi là món đường phố ngon nhất nhì thế giới lại lép về. Tại sao sản phẩm của nổi tiếng của Việt Nam lại lép vế trên sân nhà? Câu hỏi khiến mình suy nghĩ”, chị kể lại.

chi-den-0-6688-1443094670.jpg

Chị Ngô Thị Xuân Đến (ảnh nhỏ) mong muốn đặc sản quê hương có thể cạnh tranh sòng phẳng với những món fast-food ngoại nhập.

Suy nghĩ đó cùng niềm tự hào về đặc sản lạp xưởng quê hương đã khiến chị Đến nung nấu ước mơ đưa sản phẩm này thành món ăn nhanh quen thuộc tại Việt Nam, thậm chí cạnh tranh sòng phẳng với những món fast-food đổ bộ từ nước ngoài.

Làm công việc liên quan đến kinh doanh suốt nhiều năm, chị biết rõ để một sản phẩm nguội, chưa có danh tiếng thâm nhập thị trường là điều không dễ, khi thị trường có quá nhiều sản phẩm tương tự đã định vị trong thói quen của người tiêu dùng. Trăn trở nhiều ngày, chi Đến cho rằng những thứ ăn kèm, gia vị sẽ quyết định thành công của sản phẩm. Nữ doanh nhân quyết định khởi đầu với món bánh mì kẹp lạp xưởng, kết hợp với rau muống ngâm chua ngọt và nước sốt đặc chế riêng.

Để tập trung khởi nghiệp, chị quyết định thôi công việc hiện taijm đồng thời tham gia một số diễn đàn học làm giàu trực tuyến để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Cuối tháng 9/2014, với số vốn ban đầu khoảng 15 triệu đồng, chiếc xe bánh mỳ kẹp lạp xưởng đầu tiên được chị khai trương tại một góc phố Sài Gòn.

Trong nhiều lợi thế sẵn có, chị Đến cho rằng việc chủ động được nguồn lạp xưởng tươi, có nguồn gốc rõ ràng sẽ giúp mô hình tiếp cận nhanh với người tiêu dùng. Ngoài ra, với vốn đầu tư ban đầu không quá lớn, ưu thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường cũng không nhỏ. “Mình rất kỳ vọng món ăn nhanh Việt trong đó có sản phẩm của mình sẽ cạnh tranh được với fast-food nước ngoài”, nữ doanh nhân hào hứng kể lại.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng kinh doanh, nhiều vấn đề đã xảy ra ngoài dự tính của bà chủ tuổi 40, trước hết là sự cạnh tranh gay gắt với các xe bán bánh mỳ lưu động giá rẻ chất lượng không được kiểm soát. Chỉ cần một diện tích chưa đầy 2m2 tại vỉa hè nhưng để tìm thuê được vị trí mới, mở rộng thành chuỗi là khó khăn không nhỏ.

Sản phẩm được đánh giá là khác biệt nhưng cũng nhanh chóng cũng bị cơ sở khác làm nhái. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên phần đông là sinh viên làm việc bán thời gian nên không ổn định, kinh nghiệm kinh doanh, khả năng quản lý của chị cũng còn có hạn… “Mình vừa làm vừa loay hoay giải quyết khó khăn ban đầu nên thu nhập gần như không có”, chị chia sẻ.

Khó khăn khiến chị quyết định tạm đóng cửa xe hàng, dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho mô hình start-up. Chị tiếp tục tìm đến các diễn đàn khởi nghiệp để được học kinh nghiệm kinh doanh, tạo lập các mối quan hệ mới và lên kế hoạch dài hơi cho dự án trong đó xây dựng bộ nhận diện cho sản phẩm.

Đầu năm nay, chị Đến tái khởi động bằng việc khai trương cửa hàng tại quận Phú Nhuận. Lúc này, sản phẩm có tên gọi riêng, có slogan nổi bật dễ nhớ. Lạp xưởng tươi vẫn là nguyên liệu chủ đạo trong món ăn. Do dễ dàng kết hợp và dung hòa với các loại thực phẩm khác nên mỗi tháng chị lại bổ sung thêm vào thực đơn một món mới.

Lap-xuong-0-7236-1443094671.jpg

Mô hình kinh doanh mới của chị Đến đã phần nào nhận được thiện cảm của khách hàng.

Ngoài xôi và bánh mì truyền thống, cửa hàng còn có bò bía, cơm cuộn… có giá từ 8.000-22.000 đồng một món đồ. Riêng một số món hot-dog, pizza, hambuger… kết hợp với lạp xưởng tươi chị đang tìm kiếm đối tác để hoàn thiện. Ngoài ra, chị liên kết với một thương hiệu cà phê sạch để phục vụ đa số nhân viên văn phòng – đối tượng khách hàng chính hướng đến. Theo chị, việc “quốc tế hóa” lạp xưởng bằng các món ăn Việt và nhiều quốc gia khác cũng là cách quảng bá đặc sản quê hương nhanh chóng đến với đại đa số người tiêu dùng.

Sau gần 9 tháng kinh doanh trở lại, hiện chị đã mở rộng được 3 điểm bán trong thành phố. Nữ doanh nhân cho biết do chí phí bỏ ra khá lớn nên lúc này, lợi nhuận vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Dù vậy, cùng với chuỗi cửa hàng, chị dự tính sẽ nâng số lượng xe bán hàng lưu động lên 12 chiếc vào cuối năm nay. Cùng đó, để sản phẩm nhanh chóng mở rộng tại các địa phương chị Đến sẵn sàng nhượng quyền thương hiệu.

Về lâu dài, chị cho biết sẽ lập một quỹ khởi nghiệp để hỗ trợ các bạn trẻ tại quê nhà có khát vọng làm giàu. Theo chị việc tạo điều kiện để các bạn trẻ trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh và vận hành thực tế trong chuỗi thức ăn nhanh sẽ giúp các bạn hoàn thiện kỹ năng cần thiết khi khởi nghiệp trong tương lai.

Thành Tâm

0913.756.339