Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong buổi gặp với Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tuần qua, Huân tước Lord Puttnam – Đặc phái viên về thương mại và văn hóa của Thủ tướng Anh cho hay trong hai năm tới, Vương quốc Anh phải vươn lên đứng thứ 10, thay vì vị trí 15 trong số hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam. So sánh với dữ liệu hiện tại, để lọt vào top 10, vốn đầu tư của Anh phải đạt tối thiểu 7 tỷ USD, tức tăng 2,5 tỷ USD so với con số hiện nay.
Samsung Display tăng vốn thêm 3 tỷ USD là điểm sáng cho bức tranh thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay. |
Nhiều tổ chức quốc tế cũng chia sẻ quan điểm tích cực về xu hướng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới. Trong kế hoạch hai năm một lần đưa đoàn gồm 3.600 doanh nghiệp của Mỹ tại Singapore sang Việt Nam, Đại sứ Kirk Wagar thông tin 81% doanh nghiệp mong muốn mở rộng đầu tư tại khu vực ASEAN, mà Việt Nam được chọn là điểm đến số một. Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) Ishige Hiroyuki trong buổi làm việc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 16/9 cũng bày tỏ, 70% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, tập trung trong lĩnh vực sản xuất.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực trên, con số thực tế cũng chứng minh tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang cải thiện và các dự án lớn đã xuất hiện kể từ quý II trở lại đây.
Trong lĩnh vực bất động sản, Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thành phố Đế Vương trị giá 1,2 tỷ USD do nhà đầu tư trong nước liên doanh với Denver Power (Vương quốc Anh), triển khai tại TP HCM. Hay ở khu vực công nghiệp, Samsung tiếp tục ghi dấu ấn khi tăng thêm 3 tỷ USD cho dự án sản xuất các loại màn hình của công ty Samsung Display, tổng vốn rót thêm là 3 tỷ USD, so với con số ban đầu một tỷ USD.
Kết quả này tạo bước ngoặt, khiến sau một thời gian dài tổng vốn FDI đăng ký và cấp mới bị thụt lùi so với năm ngoái thì nay đã tăng 30% sau 8 tháng, đạt 13,3 tỷ USD – cao nhất so cùng kỳ kể từ năm 2010 đến nay. Giải ngân vốn FDI tăng gần 8%, đạt 8,5 tỷ USD.
Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định Việt Nam có nhiều triển vọng về thu hút FDI năm 2015 và trong thời gian tới. Nguyên nhân là các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá tốt về môi trường đầu tư – kinh doanh trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc và Thái Lan sang các nước ASEAN, trong đó Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Việc vốn giải ngân tăng cũng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài ngày càng có niềm tin vào thị trường Việt Nam.
Một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú ăn uống… có nhiều khả năng được cấp phép trong 4 tháng cuối năm, ông Hoàng dẫn chứng về tiềm năng thu hút vốn năm nay.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý cho hay Việt Nam vẫn phải vượt qua nhiều rào cản, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, công nghiệp hỗ trợ manh mún, năng suất lao động chưa cao, môi trường kinh doanh phải cạnh tranh với các nước trong khu vực…
Huyền Thư