Tính từ đầu năm tới nay, đồng tiền này đã mất giá 2,6% so với USD, chủ yếu do đợt điều chỉnh mạnh của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giữa tháng 8, châm ngòi cho đà bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Ngoài động thái bất ngờ hạ giá nội tệ, PBOC còn thay đổi cách tính tỷ giá tham chiếu hằng ngày. Giá giao dịch hằng ngày được thiết lập dựa trên giá đóng cửa của hôm trước, thay vì quy trình bí mật của ngân hàng. Việc này đã kích động thị trường tiền tệ và giới quan sát cũng liên tục đồn đoán đồng tiền này sẽ còn mất giá đến mức nào.
NDT được dự báo mất giá gần 3% so với USD trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Bloomberg |
Sang năm 2016, một trong những nhà kinh tế được khảo sát cho rằng nhân dân tệ có thể xuống 7,5 nhân dân tệ đổi một USD vào cuối năm. Tức là giảm tới 17,8% so với hiện tại.
Dù dự báo năm 2016 ít bi quan hơn, các nhà kinh tế học khác đều đồng tình với quan điểm nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy yếu, trong bối cảnh Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Bất ổn quanh việc tăng lãi suất của FED cũng khiến thị trường thêm lo lắng.
“Nhân dân tệ mất giá mạnh nữa sẽ châm ngòi cho làn sóng rút vốn đang đè nặng lên nền kinh tế”, Jianguang Shen tại Công ty chứng khoán Mizuho nhận xét.
Nửa đầu năm nay, nhà đầu tư đã rút khoảng 36 tỷ USD khỏi Trung Quốc để đi tìm tài sản an toàn hơn, Goldman Sachs cho biết. Con số này sẽ còn tăng lên trong nửa cuối năm. Bất động sản suy yếu, chứng khoán lao dốc và lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút do nhân dân tệ yếu đi đang khiến nhà đầu tư dần rời bỏTrung Quốc.
Giới chuyên gia còn lo ngại ảnh hưởng của nhân dân tệ giảm sâu lên cả châu Á. Các nước có xuất khẩu lớn sang Trung Quốc, như Malaysia hay Thái Lan có thể sẽ chịu tác động tiêu cực.
Họ còn lo ngại châu Á có thể rơi vào chiến tranh tiền tệ. “Chúng tôi cho rằng phần lớn các nền kinh tế sẽ bị thôi thúc phải hạ giá tiền tệ để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đồng nhân dân tệ rẻ”, Dong Tao – nhà kinh tế học tại Credit Suisse nhận xét.
Hà Thu (theo CNN)