Theo ông Martin Tricaud, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HSBC tại Hàn Quốc, mới đây Hiệp hội thương mại quốc tế nước này đã tiến hành một cuộc khảo sát về điểm đến đầu tư lý tưởng nhất và gần một nửa (49%) các công ty tham gia đã lựa chọn Việt Nam. Hiện tại, có khoảng 4.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại đây.
Theo ông Martin, điều khiến Việt Nam có sức hút với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là Hàn Quốc là do lực lượng lao động trẻ dồi dào, có tay nghề; chi phí nhân công thấp hơn Trung Quốc và các nước láng giềng; môi trường chính trị ổn định… Việt Nam cũng là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong số các nước ASEAN, đồng thời có các hiệp định tự do thương mại đang kết nối với 55 quốc gia tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương. Sự hỗ trợ lớn của Chính phủ trong tất cả các tiến trình này cũng được đánh giá cao.
Samsung đang là nhà đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc tại Việt Nam với tổng vốn lên tới 11,3 tỷ đôla Mỹ. |
Trên thực tế, Việt Nam gần đây đón nhận sự “đổ bộ” của nhiều tập đoàn lớn từ Hàn Quốc sang như hai “đại gia” trong ngành công nghệ là Samsung và LG. Các đơn vị này đang tập trung xây dựng nơi đây trở thành cứ điểm sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu của mình.
Samsung bắt đầu đầu tư tại Việt Nam vào năm 1995 và đang là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn lên tới 11,3 tỷ đôla Mỹ. Tập đoàn vận hành 3 nhà máy tại Việt Nam bao gồm tổ hợp điện tử Samsung tại TP HCM vừa được đưa vào hoạt động. Công ty đạt giá trị xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất trong số các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam, chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm.
Tương tự, tháng 5 vừa qua, LG cũng đưa vào hoạt động một nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD sản xuất và lắp ráp các thiết bị gia dụng tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Nhà máy này sẽ là cơ sở sản xuất lớn nhất của LG tại Đông Nam Á. Tập đoàn cũng đã công bố ý định chuyển dây chuyền sản xuất TV từ Thái Lan qua Việt Nam xuất phát từ năng suất và vấn đề hậu cần.
Về bán lẻ, Lotte và Emart đang gia tăng đầu tư.Lotte Việt Nam được thành lập năm 1996 và từ đó đã tiến hành kinh doanh tại đây trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm thực phẩm, phân phối, dịch vụ và xây dựng.
Năm 2014, Việt Nam cũng là đích đến đầu tư lớn thứ tư của các công ty Hàn Quốc và nước này đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, với vốn đầu tư đăng ký mới đạt 7,3 tỷ USD.
8 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,26 tỷ USD, chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai nước mới chỉ bắt đầu năm 1992, nhưng khối lượng thương mại đã tăng 61 lần từ 493 triệu đôla Mỹ cùng năm lên tới 30 tỷ đôla năm 2014.
Năm ngoái, Việt Nam cũng là đối tác thương mại đứng thứ 8 của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác đứng thứ 3 của Việt Nam. Hai chính phủ dự báo Hiệp định tự do thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ đưa thương mại song phương đạt 70 tỷ đôla Mỹ vào năm 2020.
Lệ Chi