Trong hầu hết các cửa hàng của nhà mạng AT&T, Sprint hay T-Mobile, khách hàng sẽ phải mất một lúc mới tìm ra được những chiếc điện thoại của ZTE. Chúng nằm bên trong, đằng sau những sản phẩm mới nhất của Apple và Samsung, nhưng ít ra chúng cũng xuất hiện ở đây.
Một sản phẩm của hãng – chiếc ZTE Maven có màn hình, loa và chip xử lý với chất lượng vào khoảng giữa iPhone 5 và iPhone 6. Tony Greco – Giám đốc bán lẻ ZTE tại Mỹ cho biết: “Đây là những tính năng vượt trội ở thời điểm 2 năm trước”. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của Maven nằm ở mức giá rất rẻ. Kể cả không có chính sách trợ giá từ nhà mạng, giá một chiếc điện thoại này chỉ vào khoảng 60 USD. Và đây thậm chí còn chưa phải điện thoại rẻ nhất của hãng.
ZTE đang dần trở thành một thế lực tại Mỹ, nhờ bán điện thoại chất lượng đủ dùng với giá rẻ. Điện thoại Trung Quốc là một trong những lựa chọn giá rẻ tại 3 trên 4 nhà mạng lớn của Mỹ, trừ Verizon. ZTE nắm 8% thị phần smartphone Mỹ trong quý II năm nay, theo hãng nghiên cứu IDC, tăng gấp đôi so với quý I năm 2014. Việc này đã giúp họ trở thành hãng smartphone lớn thứ 4 nước này, sau Apple, Samsung và LG. “Chúng tôi đi từ vạch xuất phát, và giờ đã trở thành một thế lực lớn”, Lixin Cheng – Giám đốc ZTE Mỹ cho biết.
Điện thoại ZTE giành thị phần tại Mỹ nhờ giá rẻ. Ảnh: Bloomberg |
Tại Mỹ, công ty này nổi tiếng từ nhiều năm nay với các thiết bị mạng. Sự trỗi dậy của họ trong mảng smartphone là điều rất ngạc nhiên, do ZTE đã bị đẩy khỏi thị trường viễn thông béo bở từ năm 2012. Năm đó, Hạ viện Mỹ đã ra báo cáo cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng các thiết bị của ZTE và Huawei Technologies cho công tác gián điệp tại đây. Huawei đã phủ nhận các cáo buộc này và cho rằng đây là động thái phân biệt đối xử với Trung Quốc.
“Chúng tôi đã bị đối xử không công bằng. Nhưng dù sao, giới chức cũng tuyên bố rõ điện thoại không phải là sản phẩm đáng ngại”, Cheng nói. Vì thế, khi Huawei rời khỏi Mỹ, chuyển thị trường sang Canada, ZTE bắt đầu tập trung vào smartphone.
Sau khi khởi đầu khiêm tốn với vài nhà mạng nhỏ, ZTE bắt đầu đặt sản phẩm ở các cửa hàng của nhà mạng lớn hơn, và mở rộng từ đó. Ngoài các cửa hàng điện thoại, họ còn bán sản phẩm tại Wal-mart, Target và Best Buy. Dù thương hiệu không mấy nổi tiếng, họ vẫn kinh doanh tốt hơn nhiều hãng lớn khác của Trung Quốc, như Lenovo. Thị phần Lenovo tại Mỹ đã giảm từ 5,3% xuống 3,1% quý II năm nay. Trong khi đó, Xiaomi chỉ tập trung vào các thị trường mới nổi như Ấn Độ hay Brazil và vẫn tránh Mỹ.
Để tăng hiện diện tại Mỹ, 2 năm qua, ZTE đã hợp tác với đội bóng rổ nhà nghề Mỹ – Houston Rockets để đưa logo của họ lên các điện thoại. Họ cũng đang làm việc với hai đội bóng khác là New York Knicks và Golden State Warriors. Để không bị Washington chỉ trích, hãng cũng tăng ngân sách cho việc vận động hành lang lên gần gấp 6 trong 4 năm qua.
“So với các hãng điện thoại Trung Quốc khác, ZTE khôn ngoan hơn trong hoạt động tại thị trường Mỹ”, James Lewis – nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ cho biết.
Thách thức sắp tới của ZTE tại Mỹ sẽ là tăng doanh thu, chứ không chỉ tăng số điện thoại bán ra. Vì dù thị phần của họ hiện gấp đôi so với đầu năm ngoái, doanh thu chỉ tăng 4% lên 369 triệu USD. Điều này cũng có nghĩa ZTE chỉ có thị phần nhờ điện thoại rẻ.
Bên cạnh đó, họ cũng không thể dựa vào thị trường trong nước. Tại đây, họ chỉ đứng thứ 8 với 3% thị phần, giảm từ 10% năm 2012, theo hãng nghiên cứu Canalys. Cổ phiếu hãng này cũng mất 36% từ giữa tháng 6, do thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Vốn hóa của ZTE hiện là 10,3 tỷ USD.
Hồi tháng 7, ZTE đã ra mắt Axon Pro – phiên bản điện thoại cao cấp có giá 540 USD, bán trên website của hãng, Amazon và eBay. Tuy chưa rõ khách hàng sẽ phản ứng ra sao với sản phẩm này, hay thậm chí đã biết họ có dòng này chưa, Giám đốc phụ trách Quan hệ Chính phủ tại ZTE Mỹ – Peter Ruffo vẫn cho biết chiến dịch thay đổi hình ảnh của họ sẽ có tác dụng. “ZTE đang hướng tới dài hạn. Chúng tôi có thừa kiên nhẫn”, ông nói.
Hà Thu(theo Bloomberg)