Tuần qua, ông Lê Quốc Bình – Tổng giám đốc Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) đăng ký bán 8,5 triệu cổ phiếu công ty, sau khi đã bán thành công hơn 12,5 triệu cổ phiếu trước đó. Lý do được vị này công bố là để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Tuy nhiên, việc liên tiếp thoái vốn và sẽ không còn nắm giữ cổ phần nào của công ty nếu giao dịch thành công khiến vị CEO phải đối diện với khá nhiều sự lên án, oán trách, phê phán từ cộng đồng nhà đầu tư, cổ đông, bạn bè, đồng nghiệp và đối tác.
Giữa bối cảnh đó, đầu tuần này, trên trang mạng xã hội của doanh nghiệp, một bức tâm thư được ký tên ông Lê Quốc Bình đã được đăng tải với nhiều chia sẻ của vị lãnh đạo. Trao đổi với VnExpress, ông Bình cũng xác nhận đây chính là những tâm sự của cá nhân ông.
Mở đầu thư, vị Tổng giám đốc này cho hay bản thân ý thức được việc lời lẽ cay nghiệt sẽ đến sau khi thông báo bán cổ phiếu và dự tính im lặng để một mình đón nhận, chờ đợi đến một ngày nào đó cổ đông sẽ hiểu và nhìn nhận chính xác hơn về câu đăng ký bán cổ phiếu CII.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết đã rất đau lòng khi có người phát biểu với đại ý rằng hành động của ông không chỉ làm nhà đầu tư thua lỗ mà còn đẩy cả gia đình họ vào ngõ cụt. “Tôi đã khóc khi đọc những tâm sự này và đó cũng là động lực để tôi viết lên những dòng chữ này gửi đến quý cổ đông. Tôi cũng xin cám ơn quý cổ đông đã nói lên tiếng nói này để tôi có thể hiểu được cảm giác của cổ đông trong các ngày gần đây”, vị này tâm sự.
Ông Lê Quốc Bình cho biết đã khóc khi đọc những lời trách móc của cổ đông về việc ông bán cổ phiếu. |
Ông Bình kể đã làm việc ở CII từ năm 29 tuổi, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính rồi Tổng giám đốc, ông cảm thấy nhiều lúc “phải gồng” để ở lại với CII trọn 15 năm qua.
“Hơn 3 năm nay, tôi chưa từng có một giấc ngủ ngon. Bắt tay vào nhiệm vụ CEO, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và khởi xướng cho chương trình tái cấu trúc CII thành 5 mảng hoạt động như hiện nay. Nếu chỉ đơn giản là chia mảng hoạt động thì quá dễ, vấn đề là chia để làm gì? Ai sẽ song hành cùng CII? Lợi ích của nó như thế nào? Nhân sự sẽ bố trí ra sao? Kiểm soát hoạt động như thế nào cho hiệu quả? Tiền ở đâu ra để làm? Danh mục dự án mới như thế nào v.v… và v.v… Các câu hỏi luôn thường trực ở trong đầu tôi và đi kèm theo đó là tìm kiếm giải pháp, hành động cho thích hợp với từng vấn đề”, bức tâm thư nêu.
Nhiều lúc ông tự hỏi: “Vậy tôi đang nỗ lực vì cái gì. Vì tiền ư? Không phải vì với cách tiêu xài của tôi thì với những gì tôi tích lũy được trước ngày tôi về CII cũng đủ để tôi sống được. Vì quyền lực ư? Tôi không đam mê quyền lực và cho tới tận lúc này, tôi cũng chằng có quyền lực gì ghê gớm ở CII”. Ông Bình chia sẻ xuất thân từ một gia đình không quá nghèo nhưng chỉ đủ ăn, thời niên thiếu vất vả đã dạy cho ông bài học chi tiêu tiết kiệm ở mức tối đa có thể.
“Tôi dám chắc rằng chưa cổ đông nào thấy tôi bước vào một nhà hàng 5 sao; chiếc xe tôi đang sử dụng vẫn là chiếc Camry đời 2006; Khách sạn tôi ở mỗi lần đi công tác cũng chỉ vài trăm ngàn đồng một ngày…mặc dù tôi được tiêu chuẩn cao hơn thế nhiều lần”, ông viết. Do đó, ông ý thức được rằng người lãnh đạo chính là đang cầm trong tay tiền của cổ đông, nắm giữ nồi cơm của biết bao nhiêu gia đình. Ông tâm niệm phải chọn hình thức đầu tư an toàn cho CII, lãi ít một chút nhưng cổ đông không bao giờ bị mất vốn.
Những áp lực và suy nghĩ tiêu cực khiến vị CEO cảm nhận tóc mình bạc đi nhiều và không ít hơn một lần trong 3 năm muốn từ nhiệm để trở về làm một nhân viên bình thường tại CII. “Thế nhưng mỗi lần tôi đưa ra đề nghị này là một lần tôi gặp sự phản kháng của những người xung quanh, ngoại trừ gia đình tôi thì luôn luôn ủng hộ. Nhân viên của tôi đã khóc khi nghe tôi thông báo dự tính này, đối tác đe dọa sẽ rút lui nếu tôi rời CII, ngân hàng đề nghị tạm ngừng giải ngân và tài trợ cho vay mới cho đến khi CII chọn được CEO mà họ cảm thấy tin tưởng. Đặc biệt, có người phân tích cho tôi rằng cổ phiếu CII sẽ sàn bao nhiêu phiên nếu anh ra đi? Động thái đầu tiên của nhà đầu tư tổ chức là họ sẽ bán bằng mọi giá cho đến khi CII tìm được CEO mới, và cho đến khi đó, anh đã làm tan nát bao nhiêu gia đình cổ đông nhỏ lẻ, tài sản mà họ đã tích góp được để đầu tư vào CII bỗng đội nón ra đi chỉ vì a từ nhiệm giữa nhiệm kỳ”, ông cho biết.
Đây cũng là nguyên nhân khiến ông Bình “phải đang gồng mình để tiếp tục ở lại vị trí CEO”. Kết thúc bài viết, ông tâm sự có thể có người phán xét rằng “thằng nhóc này nói xạo, miệng nó thì hô hào nào là CII rất tốt, CII là doanh nghiệp tăng trưởng; nào là đang nỗ lực rất lớn vì CII, vì cổ đông của CII; trong khi đó bản thân lại đi lướt sóng ầm ầm, mua bán cổ phiếu CII tùm lum. CEO mà lại đi bán sạch cổ phiếu của doanh nghiệp mình mà giờ đây còn lên đây để thanh minh thanh nga, lại muốn lừa cổ đông, lừa nhà đầu tư một lần nữa chăng”, song ông sẵn sàng nhận những phán xét cay nghiệt đó, chỉ hy vọng cổ đông có thể hiểu ông đang sống và làm việc vì CII và gián tiếp vì các cổ đông như thế nào.
“Tôi có những nỗi đau của riêng tôi khi phải bán cổ phiếu, những nỗi đau ấy tôi không thể nói được nhưng chắc chắn rằng không ảnh hưởng đến hoạt động của CII, nếu không muốn nói rằng nó sẽ làm cho CII tốt hơn. Thời gian sẽ làm lành nỗi đau và sẽ chứng minh những gì hôm nay tôi nhắn nhủ với cổ đông là hoàn toàn chính xác”, ông Bình bày tỏ.
Ông Lê Quốc Bình sinh năm 1972 tại Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp trường Đại học kinh tế TP HCM và có bằng thạc sĩ Kế toán – Kiểm toán. Ông gia nhập CII năm 2001 ở chức vụ Trưởng phòng tài chính kế toán, Giám đốc tài chính, sau khi có gần 5 năm kinh nghiệm ở Quỹ đầu tư Phát triển đô thị TP HCM. Năm 2012, ông được bổ nhiệm là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty.
Trong 3 năm ông nắm giữ chức CEO, lợi nhuận trước thuế của CII tăng từ mức hơn 135 tỷ đồng 2011 lên 626 tỷ đồng năm 2012, song giảm mạnh 74% trong năm 2015 và hồi về mức 600 tỷ đồng năm vừa qua. 6 tháng đầu năm 2015, công ty đạt gần 590 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu công ty tăng 16%, song trong một tháng gần đây đã mất 10%.
Huyền Thư