Quan điểm này được PGS. TS Bùi Tất Thắng – Viện Chiến lược Phát triển đưa ra trong tham luận về quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Mùa thu, đang diễn ra tại Ninh Bình.
Cụ thể, chuyên gia này cho rằng, đã từng có giai đoạn, kinh tế Việt Nam gắn chặt với Liên Xô và những nước Đông Âu, tưởng như không thể thay thế. Tuy nhiên, khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế vẫn đủ sức vượt qua. “Vì thế, chúng tôi cho rằng, chẳng có lý do gì để không vượt qua được những khó khăn do trục trặc trong hệ kinh tế do Trung Quốc gây ra”, chuyên gia này nhận định.
Cũng theo tham luận, Việt Nam có rất ít quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong những năm 80 của thể kỷ trước. Liên hệ này chỉ thực sự phát triển nhanh chóng từ năm 1991, nhất là từ khoảng giữa thập niên 2000. Tuy nhiên, trên cả 3 lĩnh vực hợp tác chính là thương mại, đầu tư và du lịch, Việt Nam đều nhận phần thua thiệt.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Về thương mại, với quan hệ mậu dịch tăng trưởng nhanh chóng, từ 2004 đến nay, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, nhập siêu từ thị trường này cũng ngày một lớn, nhất là từ năm 2007 đến nay. Những năm gần đây, con số này chiềm gần như toàn bộ hoặc cao hơn nhập siêu của nền kinh tế.
Theo phân tích của ông Thắng, trong quan hệ thương mại song phương, tương quan vị thế rất khác nhau. Hàng xuất khẩu của Việt Nam năm cao nhất cũng chưa đầy 0,7% giá trị nhập khẩu của Trung Quốc so với mức trên 25% ở chiều ngược lại (chênh lệch trên 37 lần).
Về đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam không thuộc loại lớn (khoảng 6 tỷ USD đăng quý). Quy mô vốn đầu tư bình quân trên một dự án, các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam cũng nhỏ (khoảng 7 triệu USD một dự án, bằng một nửa mức bình quân). Phần lớn FDI của Trung Quốc được đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp và trải rộng trên địa bàn của 55 trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tạo ra khoảng 100.000 chỗ làm việc trực tiếp. Bên cạnh đó, phần đầu tư gián tiếp chính thức của Trung Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có quy mô còn nhỏ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng mới có 13 dự án đầu tư sang Trung Quốc với 16 triệu USD.
Trong lĩnh vực du lịch, số lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2007 có hơn 557.000 lượt khách, đến năm 2013 đạt đến 1,9 triệu lượt. Lượng khách này chiếm hơn 20% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các công ty du lịch, mức chi tiêu bình quân của khách Trung Quốc còn rất thấp.
Trước những thống kê này, giới chuyên gia nhận định, về cơ bản, các quan hệ kinh tế và văn hóa giữa 2 nước tỏ ra khá bền vững, xuất phát cả từ lý do lịch sử lẫn nhu cầu thực tế. Song, xét ở góc độ quốc gia, để mối quan hệ đó bình đẳng, thì nội lực kinh tế của Việt Nam phải mạnh lên. Điều này cần thời gian và một cách tiếp cận khác so với hiện nay.
“Vấn đề là tìm giải pháp cho việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ kinh tế đó. Trước mắt, có thể là giá trị buôn bán sẽ ít đi, lượng FDI và khách du lịch từ Trung Quốc sẽ giảm xuống… làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Chẳng ai phủ nhận điều này trong ngắn hạn. Nhưng vấn đề là mức độ tác động đến đâu và nền kinh tế có thể vượt qua được những khó khăn nhất thời đó không?”, ông Thắng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, chuyên gia Bùi Trinh cũng đưa ra những giả thuyết về việc giảm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với Việt Nam có thể khiến GDP giảm khoảng 1,68%. Tuy nhiên, nếu thay thế xuất khẩu sang Trung Quốc bằng các thị trường khác thì lại giúp GDP tăng lên. Theo đó, theo ông Trinh, dù không có những căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc nhưng nếu nền kinh tế Việt Nam không nhanh chóng thay đổi, nguy cơ ‘đau ốm’ triền miên sẽ hiển hiện.
“Như vậy, cộng cả vụ dàn khoan thì càng cần thực hiện nhanh chóng và quyết liệt thông điệp đầu năm của Thủ tướng, ngoài ra cấu trúc kinh tế cũng cần thay đổi chuyển hướng từ xuất khẩu của khu vực công nghiệp chế biến sang xuất khẩu dịch vụ”, chuyên gia này đưa ra giải pháp.
Ngọc Tuyên