Theo khảo sát của ANZ, sự suy giảm này đến từ việc số người cho rằng tình hình tài chính gia đình tốt hơn đã giảm đi, xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2014. Thêm vào đó, chỉ 46% người tiêu dùng cho rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở trạng thái tốt trong vòng 12 tháng tới, mức thấp nhất được ghi nhận cho chỉ số này.
Ông Glenn Maguire – Kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ nhận định Việt Nam đang chống đỡ tốt với suy thoái thương mại trong khu vực và là nền kinh tế duy nhất ở châu Á có mức tăng trưởng tích cực về xuất nhập khẩu. Do vậy, việc niềm tin người tiêu dùng giảm mạnh trong tháng 8 là điều “khó giải thích”.
Tuy nhiên, từ góc độ kinh tế, có thể thấy được những tác động dẫn đến sự sụt giảm này. Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước trong tháng qua đã phải sử dụng đến những tác động chính sách như nới rộng biên độ tỷ giá và cuối cùng là giảm giá tiền đồng lần thứ ba trong năm.
“Sự giảm sút niềm tin về triển vọng nền kinh tế trong 12 tháng tới và 5 năm kế tiếp cho thấy rằng các hộ gia đình Việt Nam có thể đã cho rằng các động thái cẩn trọng của những nhà hoạch định chính sách là một dấu hiệu của sự suy giảm”, chuyên gia của ANZ cho hay.
Tuy nhiên, vị này cho rằng đợt giảm giá tiền tệ này khác so với hồi năm 2000 – khi nền kinh tế suy yếu và vấp phải các vấn đề nội địa khác. Tỷ giá tăng là nhằm mục tiêu đảm bảo một nền kinh tế đang vững mạnh sẽ không bị suy yếu về khả năng cạnh tranh thương mại do sự không tương xứng về tỷ giá.
Thực tế, ANZ cho hay giá vàng trong nước vẫn giữ ở mức thấp, phản ánh sự sụt giảm niềm tin đã không thúc đẩy người tiêu dùng tìm kiếm một sự bảo đảm an toàn khác. Với nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chắc chắn và ổn định, ngân hàng này lưu ý các hộ gia đình thường rất nhạy cảm với các tin tức kinh tế, nhưng cũng kỳ vọng cuối cùng niềm tin người tiêu dùng sẽ ổn định trở lại, song hành với một nền kinh tế vững vàng.
Phương Linh