Gần như suốt phiên, thị trường chứng khoán Mỹ duy trì mức tăng hơn 2%, do lực mua bắt đáy sau phiên bán tháo mạnh trước đó và còn được hỗ trợ bởi thông tin Trung Quốc hạ lãi suất. Tuy nhiên, chỉ trong một giờ cuối, toàn bộ số điểm tích lũy được đã bốc hơi. Chốt phiên, chỉ số của các cổ phiếu công nghệ – Nasdaq mất 0,44%. Dow Jones và S&P 500 có mức giảm lần lượt 1,29% và 1,35%.
Nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về tăng trưởng ì ạch tại Trung Quốc và ảnh hưởng của nó lên toàn cầu. Trong 6 phiên giao dịch qua, Dow Jones đã mất 1.900 điểm, tương đương 11%.
“Phải có nhiều tín hiệu bình ổn thị trường hơn nữa mới trấn an được mọi người rằng tình hình không phải đang bên bờ dốc và chuẩn bị rơi xuống”, Bruce McCain – Chiến lược gia đầu tư tại Key Private Bank cho biết trên CNN.
Phố Wall đã bất ngờ đảo chiều trong phiên hôm qua. Ảnh: Bloomberg |
Hôm 24/8, thị trường tài chính toàn cầu đã biến động rất mạnh, được ví với “Ngày thứ Hai đen tối” năm 1987 (khi Dow Jones mất tới 22%). Hiệu ứng bắt đầu từ Trung Quốc, khi Shanghai Composite Index mất 8,5% – mạnh nhất từ năm 2007. Chứng khoán các nền kinh tế lớn trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng lao dốc theo.
Đà giảm tiếp tục lan sang châu Âu, khi FTSE 100 (Anh), CAC40 (Pháp) và DAX (Đức) mất trung bình 5%. Khi thị trường Mỹ mở cửa, sự hoảng loạn lên đỉnh điểm khi khi Dow Jones mất tới 1.000 điểm chỉ trong 10 phút. Chốt phiên, Dow Jones giảm mạnh nhất 4 năm, và S&P 500 cũng mất gần 4%. Giá dầu thô Mỹ WTI hôm qua giảm gần 4%, xuống đáy 6 năm mới.
Tuy nhiên, đến hôm qua, thị trường đã dần ổn định. Trừ chứng khoán Trung Quốc vẫn giảm mạnh 7,6% và thị trường Nhật Bản mất 3,3%, các nền thị trường khác như Hàn Quốc, Hong Kong, Australia, New Zealand đều đã tăng điểm trở lại.
Tại châu Âu, thị trường chứng khoán cũng nhảy vọt sau thông tin Trung Quốc tăng lãi suất. FTSE 100 chốt phiên tăng 3,09%, DAX lên 4,97% và CAC 40 tăng 4,14%.
Hà Thu