Bộ ngành nên từ bỏ quyền năng đại diện vốn

Nhìn lại quá trình tái cơ cấu những “quả đấp thép” trong 3 năm qua là chủ đề tham luận chính trong Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu khai mạc hôm nay (27/9) tại Ninh Bình.

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong quá trình tái cơ cấu khối doanh nghiệp này là cổ phần hóa. Mục tiêu Chính phủ đặt ra trong 2 năm 2014-2015 phải cổ phần hóa 532 doanh nghiệp Nhà nước, căn bản hoàn thành chương trình cổ phần hóa khu vực này.

6 tháng đầu năm nay, mới có 38 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Con số của cả 2 năm trước là 29. Chuyên gia Đinh Tuấn Minh bình luận tiến độ này quá chậm chạp và kết quả đạt được mới dừng ở việc phê duyệt các kế hoạch tái cơ cấu thay vì những hành động cụ thể.

Viện trưởng Viện Kinh tế – Trần Đình Thiên nhận định: “Trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn, đặc biệt là nguồn lực tài chính thì con số nêu trên dường như là một thách thức to lớn mà Chính phủ tự đặt ra cho mình”.

co-phan-hoa-0-1580-1411775858.jpg

Vietnam Airlines là một trong những trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được chờ đơi trong năm nay. Ảnh minh họa: Reuters

Thay đổi đáng kể nhất được ông Thiên nhận thấy là việc cải tiến mô hình quản trị doanh nghiệp Nhà nước thông qua điều chỉnh lại quy định về về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; giảm bớt quyền lực của hội đồng quản trị của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, chuyển lên cấp trên là các bộ quản lý chuyên ngành.

Tuy nhiên, những điều chỉnh trên đây chưa động chạm tới việc tách bạch chức năng quyền sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước tại các cơ quan chủ quản. “Số đầu mối đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước vẫn không thay đổi, các cơ quan đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước tiếp tục kiêm nhiệm đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước”, ông nhận xét.

“Cơ chế thực hiện chức năng sở hữu có quá nhiều đầu mối, chưa có những chuyển biến rõ nét về việc giảm các đầu mối quản lý doanh nghiệp Nhà nước”, TS Đinh Tuấn Minh đồng tình.

Một thống kê của ông Trần Tiến Cường thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết thấy cuối năm 2011, Việt Nam có tới 101 đầu mối quản lý trực tiếp hơn 1.300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. 

Với số lượng đầu mối quản lý lớn như vậy thì việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp này trở nên rất khó giám sát. Các quyết định về nhân sự, về phương hướng phát triển kinh doanh, về thụ hưởng quyền lợi từ kết quả hoạt động của doanh nghiệp trở nên khó ăn nhập với nhau. Cách thức thực hiện giám sát chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của doanh nghiệp, trong khi cơ chế xác định tính xác thực của các báo cáo này còn bị bỏ ngỏ. 

Cho nên, theo các chuyên gia, Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới tư duy về quản trị doanh nghiệp Nhà nước, nên thuyết phục từ bỏ chức năng đại diện quyền chủ sở hữu của các bộ, ngành và địa phương để tập trung và chuyên môn hoá vào việc xây dựng các chính sách quản lý và giám sát. 

Tốc độ thoái vốn ngoài ngành cũng khiến giới chuyên gia quan ngại. Tính đến hết 2013, các doanh nghiệp Nhà nước mới chỉ thoái được hơn 4.000 tỷ đồng trên hơn 21.000 tỷ phải thoái vốn đến hết 2015.

Trong khi đến giữa 2014 mới chỉ thoái được khoảng 23% lượng vốn đầu tư ngoài ngành mà Chính phủ từng đặt ra hồi năm 2011. “Quá trình thoái vốn hiện tại về cơ bản vẫn là việc các doanh nghiệp Nhà nước chuyển phần vốn đầu tư ngoài ngành của mình sang cho các doanh nghiệp Nhà nước khác”, một chuyên gia bình luận.

Do vậy, xét về tổng thể nếu quá trình tiếp tục diễn biến như hiện tại thì hoặc có thể sẽ không cán được đích đề ra vào cuối 2015, hoặc nếu đạt được thì sẽ ở dưới dạng thoái vốn nội bộ, và khi đó, lại tạo gánh nặng cho quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Viện trưởng Thiên nói rằng nếu một năm trước yêu cầu “phải bảo toàn phần vốn và tài sản của Nhà nước” luôn được đem ra làm lý do cho sự chậm trễ thì nay, với Nghị quyết 15 của Chính phủ, rào cản này đã được tháo gỡ. “Cản trở lớn nhất hiện nay là liệu doanh nghiệp có quyết tâm làm hay không mà thôi”, ông nói.

Tham luận của ông Đinh Tuấn Minh cũng chỉ ra rằng, một trong nhưng cản trở là rất khó rút bỏ các đặc quyền đặc lợi cũng như “ngân sách mềm” cho các doanh nghiệp Nhà nước. “Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không thanh toán được các khoán nợ đến hạn, không bị phá sản. Nhà nước về cơ bản vẫn đứng ra gánh chịu các khoản nọ cho doanh nghiệp dưới hình thức giản nợ, giảm nợ, chuyển nợ cho đơn vị khác hoặc bảo lãnh nợ… Điều này khiến cho những người đại diện chủ sở hữu và những người quản lý thiếu động lực”, ông Minh nhận xét. 

Trên cơ sở đó, các chuyên gia khuyến nghị, để giải quyết vấn đề này các doanh nghiệp cần lên kế hoạch rõ ràng về quy trình thoái vốn như thời điểm nào thì định giá xong, thời điểm nào thì các cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt, thời điểm nào thì đưa ra bán đầu giá, nếu không đấu giá thành công thì phần vốn nhà nước sẽ chuyển về cho SCIC như thế nào. 

T.Đức

0913.756.339