Trung Quốc mâu thuẫn chính mình khi muốn làm siêu cường kinh tế

Để soán ngôi nền kinh tế số một thế giới của Mỹ, Trung Quốc sẽ phải cải tổ chính họ trước, Bloomberg nhận định. Thế nhưng, các nhà làm luật nước này vẫn đang mắc kẹt giữa mong muốn cải tổ và bản năng tự vệ khi có sự cố, vốn đã ăn sâu nhiều năm nay.

Ví dụ gần đây nhất là nước này bất ngờ phá giá NDT tuần trước. Việc này đã giúp hàng xuất khẩu của họ có lợi thế, kể cả khi Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình và các cố vấn khẳng định mục tiêu của họ là biến tiêu dùng, chứ không phải xuất khẩu, thành động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế. Tháng trước, Chính phủ cũng can thiệp vào đà giảm giá cổ phiếu, dù các cải tổ kinh tế có mục đích xây dựng một thị trường chứng khoán phản ánh tác động của thị trường.

“Giới lãnh đạo nước này quá lo lắng và tê liệt kể cả trước những sụt giảm khiêm tốn nhất, đến nỗi họ phản ứng lại với chúng bằng các chính sách bơm tiền cổ điển”, David Shambaugh – Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington nhận xét.

china-8-6894-1440146062.jpg

Trung Quốc muốn nền kinh tế dựa nhiều vào thị trường, nhưng vẫn muốn bảo vệ bản thân. Ảnh: NYT

Năm 2014, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc – Lou Jiwei đã đình chỉ hoạt động vay không chính thức của các chính quyền địa phương, và đề nghị họ thay bằng phát hành trái phiếu. Mục đích là bán trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ làm tăng tính minh bạch về tài chính của giới chức địa phương, từ đó giảm chi vào các dự án lãng phí.

Dù vậy, kế hoạch trên đã bị hoãn lại khi tăng trưởng giảm sút. Giới chức đành đi ngược tuyên bố của mình khi dần nới lỏng các lệnh hạn chế đi vay không chính thức, để giúp tín dụng tiếp tục chảy vào các địa phương. Từ đó lại tạo ra việc làm bằng cách khởi động nhiều dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng hơn.

Ông Tập Cận Bình và các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang cố gắng thực hiện nhiều mục tiêu cùng lúc. Đó là vừa tái cân bằng một nền kinh tế có quy mô 10.000 tỷ USD theo hướng dựa nhiều vào tiêu dùng hơn, vừa tự do hóa thị trường vốn và bình ổn chứng khoán – vốn đã mất 6,5% từ ngày 18/8.

Dù vậy, quy mô của những vấn đề này, cùng sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế (từ 2 chữ số 3 thập kỷ trước về 7% hiện tại) đang làm dấy lên nghi ngờ việc liệu Chính phủ nước này có thể đạt những mục tiêu đó hay không. “Có quá nhiều chướng ngại đang lơ lửng trên đầu họ, và một trong số chúng sắp rơi xuống rồi. Đạt cùng lúc nhiều mục tiêu mâu thuẫn với nhau như vậy là điều bất khả thi”, Jian Chang – nhà kinh tế học khu vực Trung Quốc tại Barclays nhận xét.

Khi chứng khoán Trung Quốc tăng 150% từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2015, truyền thông nước này liên tục thúc giục nhà đầu tư cá nhân mua vào. Thị trường chứng khoán bùng nổ sẽ giúp các công ty có kênh huy động vốn khác thay thế vay nợ. Và điều này đã có tác dụng cho đến khi chứng khoán lao dốc. Khi thị trường sụp đổ hồi tháng 7, Chính phủ lại phải can thiệp để giải cứu nhà đầu tư.

Một cơ quan chính phủ hoạt động tích cực có thể giúp giải quyết các tình trạng khẩn cấp này bằng cách liên tục giám sát thị trường và theo dõi tình trạng nợ địa phương. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng cũng đang làm nỗ lực cải tổ thêm trì trệ. Làn sóng bắt giữ đã khiến các quan chức lo ngại về việc giữ ghế. Bên cạnh đó, công chức bị giảm lương cũng chẳng có mấy động lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong báo cáo công việc hàng năm, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cam kết sẽ tìm ra những công chức “lười biếng và làm việc thiếu tích cực”. Tuy nhiên, Willy Lam – Giáo sư tại Đại học Trung văn Hương Cảng (CUHK) nhận xét: “Nhiều công chức lưỡng lự trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chủ yếu do bị giảm thu nhập và quyền lợi”.

Động thái phá giá tiền tệ đã khiến NDT mất gần 3% tuần trước – mạnh nhất 2 thập kỷ. Nó cũng khiến phần lớn nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế phải dè chừng. Giới chức không đưa ra được giải thích rõ ràng đã khiến thị trường đồn đoán liệu động thái này là bước đi đã cân nhắc kỹ trong lộ trình thả nổi tiền tệ, hay chỉ là nỗ lực tuyệt vọng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Chính phủ Trung Quốc thường không lật bài ngửa với thị trường tài chính. Trong khi đó, giới chức nước khác thì một là ra tín hiệu về các thay đổi lớn, hai là giải thích một khi quyết định được công bố. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã liên tục thông tin cho nhà đầu tư từ khi bắt đầu nới lỏng, Patrick Chovanec – chiến lược gia tại Silvercrest Asset Management cho biết. “Chẳng ở đâu giống Trung Quốc cả. Họ hạ giá nội tệ, còn anh thì phải đoán họ làm thế để làm gì”, ông nói.

Cho phép NDT tự do tăng giảm là một phần kế hoạch tăng quyền lực cho đồng NDT, cũng như USD vậy. Những ngưởi chỉ trích Trung Quốc tại Mỹ và nhiều nước khác từ lâu đã kêu gọi nước này chấm dứt tỷ giá cố định với nội tệ. Tuy nhiên, động thái hạ giá của Trung Quốc tuần trước lại diễn ra ngay sau khi nước này công bố xuất khẩu tháng 7 giảm, làm dấy lên nghi ngờ Trung Quốc làm yếu nội tệ để tăng xuất khẩu.  

Giới phân tích cho biết ông Tập đã không có tiến triển với kế hoạch cam kết cải tổ đầy tham vọng năm 2013. Trong đó có chuyển trọng tâm từ sản xuất sang dịch vụ, bỏ dần các công ty nhà nước và kiềm chế chi tiêu lãng phí của chính quyền địa phương. Ông cũng muốn hồi sinh Con đường Tơ lụa để thông thương với châu Âu, với kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và hệ thống giao thông.

Để hiện thực hóa những điều này tại đất nước 1,36 tỷ dân, nhiệm vụ của giới chức Trung Quốc sẽ rất phức tạp. Từ khi nhậm chức tháng 3/2013, ông Tập đã tập trung lại quyền lực, nhận vai trò lãnh đạo trong các ủy ban hoạch định chính sách, từ quân sự đến an ninh mạng.

Ông cũng kiểm soát các chính sách tài chính ngắn hạn và kế hoạch kinh tế quy mô lớn thông qua hai cơ quan chính. Một là ủy ban cải tổ do chính ông lập ra. Còn lại là ủy ban phụ trách các vấn đề tài chính và kinh tế do Thủ tướng điều hành.

“Trung Quốc đang tập trung quyền lực quá lớn vào tay lãnh đạo cấp cao. Chẳng ai muốn nhận trách nhiệm làm bất kỳ việc gì cho đến khi có chỉ đạo rõ ràng của chính ông Tập”, Lam kết luận.

Hà Thu (theo Bloomberg)

0913.756.339