Sau khi mất hơn 3% hôm qua, đến 9h30 sáng nay, Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,5%, xuống 3.646 điểm. Trong khi đó, tại Hong Kong (Trung Quốc), Hang Seng Index cũng không nằm ngoài xu hướng này, khi mất 1,75%.
Trên thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á, Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,9% xuống hơn 19.640 điểm. Đà bán tháo tại đây chủ yếu vào các mã bluechip, khi cổ phiếu các hãng xe Toyota, Nissan, Honda và Mazda đều mất hơn 3% khi mở cửa. Trong nhóm công nghệ, Sony dẫn đầu đà giảm với hơn 4%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 2% xuống 1.875 điểm. S&P/ASX 200 của Australia cũng giảm 1%.
Diễn biến tại châu Á tiếp nối đà giảm hôm qua trên thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu. Cả ba chỉ số chủ chốt tại phố Wall đều mất hơn 2%. Trong đó, S&P 500 giảm mạnh nhất 18 tháng.
Còn tại châu Âu, FTSE 100 của Anh hôm qua mất 0,5%. Trong khi đó, CAC 40 (Pháp) và DAX (Đức) đều giảm hơn 2%.
Thị trường toàn cầu đang ngày càng lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chậm lại. Chỉ số sản xuất (PMI) sơ bộ của Trung Quốc, do Caixin Media và Markit Economics công bố sáng nay, đã bất ngờ xuống 47,1 trong tháng 8.
Con số này thấp hơn dự báo của giới phân tích và cũng là thấp nhất từ tháng 3/2009. Trước đó, các số liệu đầu tư, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và xuất khẩu tháng 7 của nước này đều gây thất vọng cho giới quan sát.
Động thái phá giá NDT tuần trước của Trung Quốc cũng gây ngạc nhiên cho rất nhiều người. Thị trường chứng khoán nước này đã liên tục đi xuống những phiên gần đây, bất chấp các nỗ lực bình ổn của Bắc Kinh.
Hà Thu(theo BBC/Bloomberg)