Đến 7h40 sáng nay (giờ Hà Nội), giá lại xuống 1.116 USD, tương đương 29,74 triệu đồng mỗi lượng (chưa thuế, phí, gia công). Thị trường trong nước đóng cửa hôm qua tại 33,8-34,1 triệu đồng.
Số nhà xây mới tại Mỹ đã lên cao nhất 8 năm trong tháng 7, khi các hãng xây dựng tăng tốc đáp ứng nhu cầu hộ gia đình nhỏ. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc tại gần như tất cả phương diện.
Giá vàng thế giới hôm qua gần như đứng yên. Ảnh: Anh Quân |
“Có vẻ về ngắn hạn, các số liệu chiều qua là dấu hiệu tích cực. Vì vậy, đồng đôla đã mạnh lên, còn vàng thì vào xu hướng giảm”, Jonathan Butler – chiến lược gia tại Mitsubishi nhận xét.
Trong phiên, có lúc giá giao ngay xuống sát 1.110 USD một ounce, nhưng lại nhanh chóng bật lên để chốt ngày tại 1.117 USD. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,1% xuống 1.116,9 USD một ounce.
USD đã tăng giá 0,2% so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu có kết quả trái chiều, còn phố Wall đồng loạt đi xuống sau phiên giảm hơn 6% của Trung Quốc hôm qua. Việc này đã hỗ trợ phần nào giá vàng hôm qua.
Tăng trưởng việc làm ổn định, doanh số bán lẻ tăng và số nhà xây mới tăng đã củng cố quan điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất năm nay. Khả năng cao nhất được dự báo là trong phiên họp vào tháng 9 tới. Lãi suất tăng sẽ gây áp lực lên các công cụ không trả lãi cố định như vàng, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý.
“Bất chấp các biến động gần đây trên thị trường do động thái Trung Quốc phá giá nhân dân tệ tuần trước, chúng tôi vẫn tin rằng FED sẽ bỏ qua các yếu tố này và tập trung vào các xu hướng tích cực trong nước. Vì vậy, khả năng nâng lãi vào tháng 9 đang là cao nhất”, Citi cho biết trong một báo cáo.
Hôm nay, FED sẽ công bố biên bản phiên họp tháng 7. Biên bản này sẽ giúp nhà đầu tư có thêm bằng chứng về thời điểm tăng lãi suất của cơ quan này.
Hà Thu