Tại hội thảo “Ứng dụng thương mại điện tử trên di động: Future Now” vừa được tổ chức tại TP HCM, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp đã phân tích những lợi thế và thách thức của mô hình này. Từ đó đưa ra hướng giải quyết cho các doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường.
Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin đánh giá, nền tảng di động mang đến nhiều tiện ích cho người dùng nhờ sự thuận tiện, linh hoạt, kết nối và định vị dễ dàng. Ngoài ra, tính định danh thể hiện qua số điện thoại hay các thông tin cá nhân người dùng cũng giúp cho thương mại điện tử phát triển nhờ tăng thêm tính tin cậy, xác thực. Hiện tại Việt Nam có 34% dân số sử dụng Internet trên di động, trong đó 1/3 tổng số thời gian online là sử dụng trên thiết bị di dộng, 58% truy cập trong khoảng thời gian từ 18h đến 23h.
Bà Vũ Hoàng Yến – Giám đốc Marketing Zalora Việt Nam cho biết, xu hướng tìm kiếm thông tin trên các thiết bị di động tăng vượt bậc. Đơn cử tại Zalora Việt Nam, hiện tại lượng truy cập bằng máy tính để bàn chiếm 45-55% đơn hàng, cho doanh thu 55%. Trong khi đó truy cập từ thiết bị di động đã vọt lên 40% và ứng dụng thông minh là 15% với lượng đơn hàng lần lượt là 20% và 25%, cho doanh thu 15% và 30%. Nền tảng di động là trung tâm và sẽ dần thay thế laptop và PC.
Bà Yến cho biết, kinh doanh online có những thách thức đặc thù như người mua trực tuyến chỉ được xem hình ảnh sản phẩm mà không cầm nắm trực tiếp, thử hàng thực tế, không có nhân viên để tư vấn tại chỗ như ở cửa hàng. Màn hình các thiết bị di động nhỏ hơn máy tính nên không thể thể hiện hết các nội dung chi tiết, người dùng hay di chuyển nên tính tập trung cũng thấp hơn so với người ngồi tại bàn lướt web.
“Đặc tính của di động là linh hoạt và tính chia sẻ, kết nối cao. Vì vậy cần tận dụng để khai thác bằng cách tăng thời gian tiếp xúc với khách hàng, tổ chức các chương trình, mạng xã hội nhằm tạo yếu tố cộng hưởng…”, bà Yến nói.
Đồng tình với việc phát triển các ứng dụng thông minh để khuyến khích người dùng tăng cường giao dịch trên các thiết bị di động, tuy nhiên ôngTrần Hải Linh – Tổng giám đốc Công ty Sendo cho rằng không nhất thiết phải phát triển ứng dụng riêng chỉ vì thấy nhiều doanh nghiệp khác triển khai khi công ty vẫn có những nền tảng tốt khác. Vì điều này đòi hỏi không ít chi phí và nhân lực đầu tư, kể cả tính hiệu quả.
Theo ông, việc đầu tiên là cần xây dựng một website giao diện thân thiện, có phiên bản cho mobile nhằm phù hợp với màn hình di động. Điều này cũng rất quan trọng vì những website như vậy sẽ được Google xếp hạng khá cao. Sau khi thực hiện các bước tiếp cận trên nền tảng di động và đánh giá được tính khả quan tiềm năng khai thác, lúc này mới nên phát triển các ứng dụng dành riêng cho di động song song với website. Sử dụng nền tảng iOS, Adroid hay Windows Phone tùy thuộc vào định vị khách hàng.
“Các bước này được Sendo thực hiện chặt chẽ và vừa qua chúng tôi đã quyết định tung ra ứng dụngSendo App với các tiện ích như tìm kiếm sản phẩm bằng giọng nói và QR code, chat trực tiếp với người bán để được tư vấn về sản phẩm ngay lập tức, cập nhật chi tiết trạng thái đơn hàng khi vận chuyển và giao nhận…”, ông Linh chia sẻ.
Tại Sendo lượng truy cập năm 2014 bằng thiết bị di động là 3%, năm 2015 là 60% và 2015 dự kiến tăng lên đến 75%. Lượng đơn hàng từ thiết bị di động mang lại trong năm 2014 là 5%, năm 2015 là 30% và năm 2016 ước đạt 50%.
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng giám đốc Grap Taxi Việt Nam cho biết khi mọi người đều xem thương mại điện tử là miếng bánh béo bở và hăm hở vào khai phá thì những người đi sau có thể chen chân vào và thành công hay không. Vấn đề là góc nhìn. Nếu không thể cạnh tranh với những công ty lớn có hệ thống bán hàng rộng khắp, khách hàng quen thuộc nhiều thì nhắm vào những mảng mà còn chưa quá chật chội như thanh toán, kho vận, giao nhận, viết ứng dụng thương mại điện tử cho các thiết bị di động…. Phân tích các phân khúc phù hợp, không chạy theo trào lưu mới đảm bảo thành công cho những người đi sau.
Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin nhấn mạnh, để người dùng thực sự có niềm tin vào thương mại điện tử thì đây là một quá trình dài và cần có sự tham gia đa chiều từ hành lang pháp lý của Nhà nước, các chương trình xúc tiến thúc đẩy thương mại trực tuyến. Về phía doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường tiện ích trải nghiệm cho người dùng. Một điểm khác là giá cả phải phù hợp, cạnh tranh mà khi đó vấn đề kho vận vận chuyển sẽ làm đội chi phí lên và giải quyết vấn đề này không đơn giản. Thanh toán đảm bảo, qua tầng trung gian nhằm giảm thiểu rủi ro, xây dựng các cổng thanh toán đảm bảo hiện đại, phải có lộ trình trong 5 năm tới.
Tại hội thảo, tổ công tác OnlineFriday 2015 cũng đã giới thiệu và hỗ trợ chi tiết giúp các doanh nghiệp tham gia đăng các khuyến mãi tại “Ngày mua sắm trực tuyến Mùa thu” diễn ra vào ngày 28-8 tới. Đây là hoạt động quan trọng kích cầu mua sắm dịp mùa Thu và tạo đà cho chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến – OnlineFriday” vào cuối năm 2015.
Năm 2015, ngoài các khuyến mãi quen thuộc như miễn phí vận chuyển, giảm giá sốc, khuyến mãi giờ vàng, tặng quà… người tiêu dùng sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn khi sử dụng thanh toán trực tuyến đến từ các ngân hàng và tổ chức thanh toán như cash-back (hoàn tặng lại tiền đã mua) đến 20% khi sử dụng thanh toán bằng thẻ thanh toán, miễn phí đăng ký thanh toán trực tuyến… Để đưa hoạt động mua sắm trực tuyến tới gần hơn với người tiêu dùng, “Ngày mua sắm trực tuyến 2015” sẽ tổ chức các sự kiện offline gắn liền hoạt động online với sự tham gia của các doanh nghiệp điện máy, siêu thị trực tuyến lớn. Người tiêu dùng có thể mua sắm tương tác với doanh nghiệp ngay tại sự kiện offline với nhiều khuyến mãi chỉ có sự kiện.
Minh Trí