Doanh nghiệp nội ngại góp ý chính sách

Nhận định nêu trên được nhiều chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Vận động chính sách: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp”, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/8.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay trung bình trong 1.000 văn bản các bộ ngành trung ương ban hành hàng năm thì có đến 70% liên quan đến doanh nghiệp. Vị này kể khi điều tra hai chỉ số gồm hiệu quả về kinh doanh pháp luật của các bộ (MEI) và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), có 66% doanh nghiệp được hỏi cho biết chính sách là một trong ba rủi ro lớn nhất mà họ gặp phải. “Thế nhưng có tới 78% công ty cho biết chưa bao giờ được hỏi ý kiến về các dự thảo pháp luật”, ông Tuấn nói.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp), PGS Dương Đăng Huệ nhận xét, các doanh nghiệp nội vẫn còn rất thụ động khi được mời tham gia góp ý trong vấn đề này. Ông dẫn chứng, mới đây, Bộ Tư pháp dành 4 tháng mời góp ý về Bộ luật Dân sự thì rất ít doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề nêu ý kiến. “Ngay như Liên minh hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và vừa, là các tổ chức hội lớn như vậy mà cũng không hề tham gia”, ông Huệ tiếc nuối.

nuoc-ngot3-500-9699-1398409912-5511-1439

Câu chuyện nước ngọt có gas không bị đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt được đại diện VCCI dẫn ra như một ví dụ của việc vận động chính sách thành công.

Lý giải một phần nguyên nhân của thực trạng này, chuyên gia Trần Văn Lợi (Bộ Tư pháp) cho rằng, hầu hết các dự thảo đều được các bộ lấy ý kiến nhưng cách thức chủ yếu chỉ thông qua cổng thông tin điện tử của đơn vị mình.

“Nhiều bộ không nhận được phản hồi nào với cách làm như vậy. Không ít văn bản của Bộ Tư pháp cũng chỉ nhận được 1-2 ý kiến. Trong khi nếu gửi câu hỏi qua một tờ báo điện tử thì người dân và doanh nghiệp tham gia rất nhanh và rất đông”, ông Lợi nói.

Nhà báo Hoàng Tư Giang (Thời báo Kinh tế Sài Gòn) kể trong một hội thảo góp ý về chính sách, khi một Thứ trưởng đứng lên than rằng Bộ của ông tổ chức rất nhiều kênh để tiếp nhận ý kiến nhưng không thấy doanh ngiệp lên tiếng thì lãnh đạo hiệp hội lập tức phản ứng. “Vị đại diện doanh nghiệp nói không phải họ không muốn ý kiến mà bởi những góp ý của họ không bao giờ được tiếp thu nên có tâm lý nói ra cũng chẳng ích gì”, ông Tư Giang thuật lại.

Đại diện VCCI chia sẻ thêm, doanh nghiệp có tâm lý ngần ngại cũng bởi thực tế đã có nhiều trường hợp ai “nói to” thì rủi ro trong làm ăn càng lớn.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, không ít doanh nghiệp đã rất thành công trong quá trình vận động chính sách. Vị này dẫn chứng, để Bộ Tài chính đưa ra được quyết định bãi bỏ trần chi phí quảng cáo là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đã kiên trì đeo đuổi hơn 6 năm trời.

“Kể cả khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vừa nâng trần chi phí này từ 10% lên 15% thì doanh nghiệp vẫn chưa dừng lại. Trong một cuộc họp của Chính phủ về tháo gỡ điều kiện kinh doanh (Nghị quyết 19), Thủ tướng hỏi liệu có bỏ trần này được không, Bộ Tài chính nói bỏ được. Vậy là quy định này bị xóa sổ”, ông Tuấn nhớ lại. “Vận động chính sách đòi hỏi sự kiên nhẫn, và đôi khi cả sự nhạy cảm để chọn thời điểm có áp lực nhất”. ông nói thêm.

Vị này cũng so sánh, nhìn sang các công ty nước ngoài ngay tại Việt Nam thì doanh nghiệp nội kém xa về sự chủ động, tích cực và hiệu quả trong vận động chính sách.

Ví dụ gần nhất được ông Tuấn dẫn ra để minh họa cho nhận định này là việc nước ngọt có gas bị đưa vào danh sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. “Khi nghe chủ trương này, họ tham gia rất bài bản, tổ chức gặp gỡ VCCI, Bộ Tài chính cũng như chủ động lôi kéo doanh nghiệp trong nước tham gia cùng và kết quả thì mặt hàng này đã ra khỏi danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Tuấn kể lại đồng thời nhấn mạnh: “Vận động chính sách tốt cũng là cách thức quan trọng để gia tăng uy tín với các doanh nghiệp khác”.

Chí Hiếu

0913.756.339