Các dự án ODA đường sắt vẫn dẫn đầu về chậm tiến độ

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi sáng nay (12/8), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện tiến độ nhiều dự án đường sắt tại Hà Nội và TP HCM vẫn trong tình trạng chậm trễ.

Báo cáo cho thấy trong 24 dự án chậm tiến độ năm 2015, mới có 10 dự án được cải thiện, số còn lại chưa có nhiều chuyển biến như dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông; đường sắt đô thị số I Hà Nội (tuyến I) – khu tổ hợp Ngọc Hồi, đoạn Ngọc Hồi – Gia Lâm, tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo…

duong-sat-3590-1439349979.jpg

Một phần dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Bá Đô

Trước tình trạng này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất thành lập nhóm công tác liên ngành gồm các Bộ, Hà Nội, TP HCM phối hợp với các nhà tài trợ liên quan để xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án này. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương bố trí đủ vốn đối ứng, tránh thực hiện chậm trễ các dự án. “Thời gian qua, nhiều nơi khó bố trí vốn đối ứng, dẫn đến chậm trễ, không thực hiện đúng cam kết. Đề xuất Bộ, ngành, địa phương phải xem xét thận trọng, nếu vượt lên thì phải tự lo, không thể đẩy ngược lại cho trung ương”, ông Dũng nói.

6 tháng đầu năm, tổng vốn ODA cam kết đạt gần 1,6 tỷ USD, bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung cao ở các lĩnh vực hạ tầng kinh tế (giao thông vận tải, môi trường). Giải ngân vốn trong kỳ đạt khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 38% so với 6 tháng đầu năm trước. Sự suy giảm này một phần do nhóm 6 ngân hàng phát triển đều có mức giải ngân thấp hơn, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giảm hơn 60%, Ngân hàng Thế giới (WB) giảm 26%…

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 1,9 tỷ USD, so với kế hoạch 5,6 tỷ USD năm nay thì khả năng hoàn thành mục tiêu là “vô cùng khó khăn”. “Mấy năm trước đều giải ngân nhanh hơn cùng kỳ năm trước, vậy lý do gì mà chúng ta lại giảm”, ông nói.

Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Dũng cho hay nguyên nhân là thể chế, vốn đối ứng không được bố trí kịp thời, vướng do giải phóng mặt bằng. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ giải ngân vốn ODA là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Quốc hội. Mặc dù vấn đề trên đã được tháo gỡ trong tháng 5/2015 song tình hình giải ngân chỉ mới được cải thiện ở mức độ nhất định.

Từ nay tới cuối năm, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo phải tháo gỡ các vướng mắc để hoàn thành các mục tiêu đề ra. “Hy vọng từ nay tới cuối năm tốc độ giải ngân sẽ được cải thiện, có thể bằng được năm 2014″, ông nói.

Phương Linh

0913.756.339