Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bắt đầu thí điểm cho vay tín chấp doanh nghiệp từ năm 2014 và chính thức triển khai vào đầu năm nay. Đến nay, đây là dòng sản phẩm cho vay có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong danh mục sản phẩm cho vay doanh nghiệp của ngân hàng này, tới 120% so với cuối năm ngoái.
Theo Tạp chí Asian Banking and Finance, VPbank đã có những giải pháp tài chính được thiết kế phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. |
VPBank đặt mục tiêu sẽ phân phối sản phẩm này đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tăng trưởng tốt mà thông thường không thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng và kỳ vọng dòng sản phẩm này sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng danh mục cho vay.
Trước đó, năm 2014, VPBank đã tiên phong phát triển sản phẩm thẻ tín dụng tín chấp doanh nghiệp VPBiz Credit Card với sự tư vấn của đối tác MasterCard. Sắp tới, VPBank sẽ nâng cấp sản phẩm khi ra mắt thẻ VPBiz Credit Card dòng Platinum cao cấp hơn với hạn mức tín chấp lên đến 3 tỷ đồng.
“Dòng tiền hoạt động rất quan trọng đối với các doanh nghiệp SME. Họ rất dễ nhạy cảm và tổn thương nếu đột nhiên đối mặt với sự thiếu hụt dòng tiền. Họ cũng không dễ tiếp cận vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp tốt, hoặc tài sản được định giá thấp”, đại diện VPBank giải thích lý do đưa ra các sản phẩm cho vay tín chấp dành cho doanh nghiệp.
Ngân hàng TNHH Indovina – IVB cũng vừa đưa ra chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nếu chứng minh phương án sản xuất kinh doanh khả thi, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Tỷ lệ chấp thuận cho vay không có tài sản đảm bảo tại IVB 80-90% trên tổng mức vay, nếu đạt đầy đủ các tiêu chí của ngân hàng.
Đại diện Indovina cho biết, việc cho vay tín chấp khách hàng doanh nghiệp (cho vay không có tài sản bảo đảm) được IVB thực hiện theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, bắt buộc doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, độ tín nhiệm cao. Mức lãi suất cho phân khúc này khá cạnh tranh, chỉ từ 6% một năm và tốc độ tăng trưởng giao dịch phát triển qua các năm 10-15%.
Ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB nhìn nhận, các doanh nghiệp có thực lực được nhà băng ưu tiên vay tín chấp. Như tại ACB, sau khi đánh giá, phân loại khách hàng, xác minh tài chính, kế hoạch sử dụng vốn vay hợp lý…, doanh nghiệp sẽ được vay tín chấp với lãi suất tùy theo thời điểm và tiềm lực của doanh nghiệp, độ rủi ro của từng khoản vay.
Tuy nhiên, điều ngân hàng quan tâm nhất khi cho vay tín chấp doanh nghiệp, theo đại diện VPBank là rủi ro chứng từ và rủi ro về kinh doanh. Lường trước điều này, ngân hàng yêu cầu các biện pháp thẩm định chặt chẽ, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động thực tế, có đầu vào đầu ra xác minh được. VPBank đang áp dụng hình thức trả góp để doanh nghiệp có thể chia nhỏ áp lực trả nợ.
Vì thế, điều kiện để doanh nghiệp được vay tín chấp ở VPBank là hoạt động trong những ngành tăng trưởng nhanh, có đơn hàng ổn định, đối tác tốt. Sau đó dựa vào lịch sử tín dụng và hành vi trả nợ trong quá khứ, ngân hàng sẽ quyết định cấp tín dụng hay không.
Ngày 8/7, tại Singapore, Tạp chí Asian Banking and Finance (ABF) đã trao tặng VPBank giải thưởng “Ngân hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tốt nhất Việt Nam 2015”. |
“VPBank bảo đảm các khách hàng vay tín chấp là những doanh nghiệp tốt, có kinh nghiệm và uy tín trong ngành. Họ cần vốn kinh doanh kịp thời để tận dụng cơ hội kinh doanh. Những cơ hội kinh doanh này có giá trị về mặt kinh tế đối với họ, ví dụ như chiết khấu lớn nếu mua nhiều, hoặc về mặt quan hệ như thanh toán đúng hạn nhằm gia tăng mối quan hệ với nhà cung ứng”, đại diện VPBank cho biết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín chấp đúng với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn hiệu quả.
Ông nhận xét, ở góc độ rủi ro, những doanh nghiệp được vay tín chấp sẽ có nguồn trả nợ vững vàng. Bởi họ có kết quả sản xuất kinh doanh, doanh thu, tiền lời, có quản lý dòng tiền… tốt nên các ngân hàng không cần đòi hỏi nguồn trả nợ thứ hai, tức tài sản bảo đảm hay những nguồn hoàn trả khác.
Tiến sĩ Hiếu nhấn mạnh, để doanh nghiệp có thể vay tín chấp mà không cần tài sản bảo đảm, họ cần thể hiện được báo cáo tài chính minh bạch, rõ ràng. Những doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả, được các công ty kiểm toán độc lập đánh giá cao sẽ có nhiều ưu thế.
Ngoài ra, các chỉ số tài chính quan trọng như thanh khoản, ROA, ROE, doanh thu, chi phí, vòng quay vốn, hàng tồn kho, trả nợ, trả chậm… phải trong mức độ cho phép, tỷ lệ đòn bẩy tổng nợ vay trên vốn chủ sở hữu khoảng 1/1 hoặc nhiều lắm là 2/1.
“Điểm quan trọng nữa là cần có một tổ chức xếp hạng tín dụng mang tính khách quan cho tất cả các doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp ngân hàng dễ dàng đưa ra quyết định cho vay hay không bên cạnh việc sử dụng bảng xếp hạng tín dụng nội bộ của mình”, ông Hiếu cho biết thêm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/6, tín dụng trong nền kinh tế tăng 5,78% so với đầu năm và tăng 18,98% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tại TP HCM, dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 7 ước đạt hơn 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 7,01% so với cuối năm 2014, tăng 15,03% so với cùng kỳ. Đây cũng là năm đầu tiên sau một thời gian dài tắc nghẽn, tín dụng tăng mạnh và cao hơn huy động vốn (6,11%). Tín dụng cho vay của các nhà băng chủ yếu dành cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Dự đoán về tình hình tín dụng từ đây đến cuối năm, Tiến sĩ Hiếu cho rằng tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức 15-17% so với chỉ tiêu 13-15% được Ngân hàng Nhà nước đưa ra vì nhu cầu cho vay năm nay cao hơn các năm ngoái và các ngân hàng cũng có tính thanh khoản tốt để cung cấp tín dụng.
Minh Trí