Từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam, dịch vụ gọi xe thông qua ứng dụng điện thoại Uber đã gây nhiều chú ý, và được nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác phát triển với hình thức tương tự như: việc nhà, gọi xe ôm, đặt phòng khách sạn…
Tương tự, một doanh nghiệp phía Nam cũng vừa ra mắt một dịch vụ gọi xe chở hàng với hình thức hoạt động tương tự, với tên gọi Ahamove. Dịch vụ này cho phép kết nối nhu cầu vận chuyển hàng hoá của khách hàng với mạng lưới các tài xế có xe vận chuyển nhằm tối ưu thời gian và chi phí các bên.
Thông qua ứng dụng khách hàng có thể gọi bất cứ tài xế xe tải nào mà mình mong muốn để chở hàng hóa. |
Trao đổi với báo chí, ông Lương Duy Hoài, đại diện nhà phát triển cho biết, ứng dụng này hướng tới các tài xế giao hàng hóa và những người có nhu cầu chuyển hàng, vật dụng gia đình… Sau khi cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, khách hàng có thể đặt loại xe mình cần, nắm bắt được thông tin tài xế (điểm đánh giá, tên, số điện thoại, biển số xe), hành trình chuyến đi. Ngoài ra, khách còn có thể chia sẻ thông tin hành trình cho người nhận để họ chủ động trong việc nhận hàng.
Với các tài xế, khi có đơn hàng họ sẽ biết được nơi nhận, điểm đến, cước phí. Sau khi giao hàng thành công, tài xế sẽ được nhận tiền trực tiếp từ khách hàng. Chủ xe sẽ chia sẻ 20% giá trị đơn hàng vận chuyển của giao dịch cho công ty quản lý phần mềm. Số tiền này hãng sẽ trừ vào tài khoản của tài xế. Do vậy, trong tài khoản của tài xế buộc phải có đủ số tiền tương ứng.
Cước vận tải được tính dựa trên mức trung bình của thị trường. 4km đầu tiên có giá 135.000 đồng, các quãng đường tiếp theo sẽ có mức phí áp dụng khác nhau, càng xa phí vận chuyển càng giảm.
“Với mô hình truyền thống, trước đây, hàng ngày có vài trăm xe tải vận chuyển rau từ Đà Lạt về TP HCM, nhưng có rất ít xe tận dụng được chiều về khiến chi phí vận tải tăng cao. Thế nhưng, khi sử dụng ứng dụng này, tài xế có thể kiếm được khách hàng mới ở chiều về. Còn khách hàng thì tiết kiệm được chi phí vận chuyển vì giá cước thấp”, ông Hoài giải thích thêm.
Riêng về tính pháp lý của ứng dụng, ông Hoài cho biết, mô hình này khác với ứng dụng gọi xe taxi, tài xế xe tải phải có giấy phép vận chuyển theo đúng quy định của cơ quan quản lý và cung cấp đầy đủ thông tin cho hãng. Ngoài ra, tài xế có thể tham gia vào các hợp tác xã và đóng thuế khoán. Còn đối với khách hàng, họ phải chịu trách nhiệm và cam kết về hàng hóa. Trong quá trình xảy ra các rủi ro hoặc tranh chấp, công ty có thể đền bù cho khách số tiền tối đa là 20 triệu đồng, giải quyết mâu thuẫn và nhờ cơ quan quản lý can thiệp.
Sau 3 tháng chạy thử nghiệm tại TP HCM, doanh nghiệp cho biết đã giao thành công 3.000 đơn hàng cho khách, mang lại hơn 600 triệu doanh thu cho gần 100 tài xế tại TP HCM. Tới nay, có hơn 1.000 khách hàng cài đặt và sử dụng phần mềm tại địa phương này, đa phần trong số này là tiểu thương tại các chợ và đại lý bán hàng. Dự kiến, trong năm nay Công ty sẽ phát triển ứng dụng tại Hà Nội và đặt mục tiêu có khoảng 2.000 tài xế tham gia hệ thống vào cuối 2015.
Nhận xét về mô hình trên, đại diện Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, đây là ứng dụng có ích cho xã hội. Tuy nhiên, công ty cũng cần xét kỹ hồ sơ và tình trạng của tài xế, đồng thời, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để tránh vận chuyển những sản phẩm cấm hoặc không rõ nguồn gốc.
Trong khu vực hiện có hai mô hình khởi nghiệp tương tự đang cạnh tranh khốc liệt là Easyvan và Gogovan của Hong Kong (Trung Quốc) với định giá lên đến hàng trăm triệu USD. Còn tại Việt Nam, đây là mô hình vận tải hàng hóa đầu tiên.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, chi phí về vận tải của Việt Nam lên đến 23-25% GDP. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc chỉ dao động 16-17%. Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, cả nước có khoảng 600.000 xe tải các loại trong đó trên 93% số lượng xe tải thuộc sở hữu của cá nhân, ngoài ra, hai phần ba lượng xe tải chỉ chở hàng một chiều, với tổng giá trị thị trường vận tải đường bộ lên đến 7 tỷ USD mỗi năm.
Hồng Châu