Mấy ngày qua, mưa lớn kéo dài tại các địa phương miền núi phía Bắc đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều người dân. Không ít chợ dân sinh bị ngập nước, tiểu thương khá khó khăn trong việc kinh doanh.
Theo khảo sát của VnExpress tại Lạng Sơn, các tiểu thương chợ Đông Kinh và chợ Giếng Vuông cho biết ngoài các loại rau xanh tăng giá nhẹ 1.000-2.000 đồng, còn lại hầu hết thực phẩm đều ổn định giá. Theo ông Vũ Tuấn Dũng – Ban quản lý chợ Giếng Vuông, mưa lớn kéo dài 2 ngày nên nguồn cung hàng vào chợ không dồi dào như trước. Tuy vậy, hầu hết thực phẩm tươi sống đều được đảm bảo từ một số vùng trồng không bị ngập nước, góp phẩn ổn định giá. Riêng rau xanh là do được vận chuyển từ dưới xuôi lên nên giá bán tăng nhẹ.
Hiện, rau muống, bí xanh, mướp, bắp cải, cà chua… dao động tại chợ có giá từ 3.000-15.000 đồng mỗi kg. Thịt lợn là 80.000 đồng một kg, cá có mức từ 40.000-90.000 đồng mỗi kg tùy loại.
Do được cung cấp từ các khu vực lân cận nên rau xanh tại Lạng Sơn không thiếu nguồn cung, song giá tăng 5-10%. Ảnh: Hồng Vân |
Theo ghi nhận tại Quảng Ninh – địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đợi mưa lũ vừa qua. Ngoại trừ hai ngày cuối tháng 7, khi rau xanh và thịt lợn là hai mặt hàng tăng giá cao nhất 5.000-10.000 đồng, đến nay, tại một số chợ như Hạ Long 1 và 2, Cọc 6, Hồng Hà… giá gần như các mặt hàng không tăng.
Do phải nấu ăn cho công nhân một xưởng chế biến gỗ, chị Minh (phường Hồng Hà, Hạ Long) cho biết rau cải, rau muống có thời điểm giá lên đến 10.000 đồng một mớ. Trong khi thịt bò, thịt gà giữ giá, riêng thịt lợn giá dao động 90.000-100.000 đồng, tăng 10.000-15.000 đồng so với trước đó. Tuy nhiên, 2 ngày trở lại đây, giá các mặt hàng bắt đầu giảm đáng kể nhờ một phần nguồn cung từ các địa phương lân cận như Hải Dương, Hưng Yên.
Trong khi đó, tại các chợ: Trung tâm thành phố, Quang Trung, Trưng Vương (Uông Bí) rau xanh tăng nhẹ 3.000-5.000 đồng. Các loại thịt gia súc, gia cầm không tăng. Riêng thủy hải sản nguồn cung lớn, giá giảm đáng kể. “Khu vực này nhiều đầm, hồ nên các hộ nuôi trồng đều đánh bắt vội để bán, nên giá rẻ hơn trước 5.000-10.000 đồng”, một tiểu thương tại chợ Trung tâm cho hay.
Giá rau xanh và thịt lợn tại chợ Trung tâm huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tăng cao 20-30% so với trước dù sức mua giảm và nguồn cung không thiếu. Theo các tiểu thương, do phần lớn thực phẩm tươi sống đều nhập từ các đầu mối nên giá nhập vào cao kéo theo giá bán lẻ tăng đáng kể.
“Như thịt lợn hơi trước đây giá nhập chỉ 45.000 một kg, hai hôm nước ngập giá đã lên 65.000 đồng kg. Do vậy giá bán lẻ tăng thêm 15.000-20.000 đồng”, một tiểu thương cho biết.
Báo cáo tại buổi họp giao ban tháng 7 ngành công thương ngày 3/8, Vụ trưởng Võ Văn Quyền cho biết dựa vào tình hình địa bàn và nhu cầu thị trường tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, ngành đã có kế hoạch ổn định cung ứng hàng hoá thiết yếu như gạo, mỳ, nước uống. Theo đó, sẽ gắn lưu thông hàng trên địa bàn với cam kết của doanh nghiệp, bình ổn giá và đối ứng phân bổ hỗ trợ cho người dẫn vùng lũ đảm bảo giá bán đúng cam kết.
Vị này cho biết trên các địa bàn có mưa lũ như: Bắc Kạn, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang…về cơ bản không có tình trạng đầu cơ tăng giá nhờ việc dự trữ hàng hóa thiết yếu gồm gạo, thịt, tấm lợp… Cùng đó, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện các chương trình bình ổn giá với sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn để bán hàng hóa theo giá đã cam kết nhờ vậy, lượng hàng hóa thiết yếu khá ổn định.
Duy nhất tại Quảng Ninh, từ 29-30/7 có một số khu vực dân cư giá thực phẩm đã 5-10%. Tuy nhiên, các Sở ban ngành địa phương đã chỉ đạo, kêu gọi ổn định giá hàng hóa. Đến nay, giá cả thị trường đã trở lại bình thường.
Nhóm phóng viên