Các hoạt động sản xuất kinh doanh tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả bị tê liệt sau những cơn mưa lớn trong các ngày 26, 27 và sáng 28/7, khiến nhiều khu vực bị ngập lụt, cô lập. Tổng thiệt hại trên toàn tỉnh ước tính hơn 1.000 tỷ đồng, riêng ngành than khoảng 500 tỷ đồng.
Báo cáo của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua khiến sản xuất của các công ty thành viên đình trệ. Mưa lớn đã làm ngập mỏ than của Công ty than Quang Hanh, than Mông Dương và khiến mặt bằng của Công ty 790 – Tổng công ty Đông Bắc và Công ty than Mông Dương bị lấp. Các tuyến đường sắt vận chuyển than Cửa Ông, Hòn Gai hư hỏng nặng, tuyến đường trong mỏ sạt lở nhiều nơi…
Ngành than đang tập trung khắc phục thiệt hại sau trận mưa lịch sử tại Quảng Ninh. Ảnh: Vinacomin |
Trao đổi với VnExpress hôm 29/7, ông Nguyễn Văn Thuấn – Phó giám đốc Công ty Than Cọc Sáu cho hay doanh nghiệp đang khắc phục sự cố, củng cố đường sá, kho tàng. Dự kiến mất 5-7 ngày các hoạt động khai thác mới trở lại bình thường. “Chưa có năm nào trong 40 năm qua mưa lớn như vậy. Hệ thống của công ty được thiết kế chỉ chịu được lương mưa 350mm trong một ngày một đêm, nhưng đợt này có ngày lên tới 400mm mà kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thiết bị của công ty”, ông nói. Liên quan đến việc vỡ đập chứa xỉ than khiến hàng nghìn khối bùn tràn vào nhà dân, ông Thuấn lý giải nguyên nhân chính là mưa quá lớn, vượt tính toán của đơn vị thiết kế tầng đổ thải.
Ông Đặng Văn Tùng – Giám đốc Công ty Than Cao Sơn chia sẻ hiện máy móc thiết bị vẫn giữ an toàn, hết bão thì công ty sẽ hút nước, khôi phục đường sá, dự kiến chỉ sau 1-2 ngày có thể sản xuất được bình thường.
Tuy nhiên, Vinacomin vẫn chỉ đạo các đơn vị thành viên cần thận trọng bởi dự báo cho thấy sẽ tiếp tục có mưa và khả năng xảy ra lũ, giông, lốc trong những ngày tới. Nếu tiếp tục mưa to có thể ngập và đóng cửa một số mỏ, gây đình trệ sản xuất nhiều ngày, ảnh hưởng lớn cho sản xuất. Do điều kiện bất khả kháng về thời tiết nên tập đoàn cho biết việc cấp than cho khách hàng rất khó khăn, bị chậm và có thể gián đoạn trong những ngày tới.
Ngập lụt làm gián đoạn hoạt động vận tải trên địa bàn. Do bến đỗ xe nằm đúng tại rốn lũ Quang Hanh, nên khu vực nhà ở và khoảng 20 xe khách và bus của công ty TNHH Phúc Xuyên đã bị ngập trong ngày 28/7.
Giám đốc doanh nghiệp – ông Đoàn Thế Xuyên cho biết toàn bộ tuyến xe bus Hòa Gai đi Quảng Yên, Đồng Triều đều phải ngừng hoạt động bởi quốc lộ 18 đã bị chia cắt. Một số tuyến đường dài cũng bị đình trệ đến 29/7. Các xe ngập nước hầu hết đều bị hỏng hệ thống điện, nội thất. Hiện công ty đang tập trung nhân lực và tài chính sửa chữa lại toàn bộ để kịp đáp ứng nhu cầu đi lại trên tuyến đường dài và bus đi các huyện, thị xã của tỉnh.
Thiệt hại ban đầu theo ước tính của ông Xuyên khoảng vài trăm triệu đồng và còn gia tăng bởi việc dừng chạy xe ảnh hưởng lớn đến doanh thu của đơn vị vận tải.
Hạ tầng điện, viễn thông của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, lưới điện Quảng Ninh bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại bạn đầu là 370 triệu đồng, chi phí khắc phục khoảng 700 triệu đồng. Các doanh nghiệp viễn thông cũng phải điều động nhân viên kỹ thuật đi ứng cứu, khắc phục sự cố ngay khi mưa tạnh.
Phụ trách một đại lý kinh doanh hàng công nghệ tại Cẩm Phả cho hay mưa kéo dài từ ngày 25/7 đến nay khiến lượng khách hàng đến mua sắm sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu. “Theo dự báo, mưa sẽ kéo dài đến cuối tháng, đây là một thách thức lớn với việc hoàn thành chỉ tiêu doanh thu”, đại diện cửa hàng cho biết.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị trên địa bàn, đặc biệt ngành than chủ động ứng phó với mưa lũ và khắc phục hậu quả sau đợt mưa kéo dài. Trước mắt, tỉnh đã trích ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, hỗ trợ các trường hợp bị chết do ảnh hưởng của mưa lũ theo mức 6 triệu đồng một người; hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng và hỗ trợ 3 triệu đồng một người bị thương.
Nhóm phóng viên