Chợ mới Đà Lạt (Dalat Center) nằm trên khu C của chợ Đà Lạt cũ, được Công ty cổ phần Len Nguyễn đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2013. Chợ có một tầng hầm dùng để xe và kinh doanh rau thương phẩm vào ban đêm, 3 tầng phía trên bố trí hơn 1.000 quầy sạp.
Do quá kỳ vọng vào ngôi chợ mới, nhiều tiểu thương tại đây đã mua vài ba quầy, thậm chí có người đứng tên hơn 10 sạp. Nhưng tình hình buôn bán ế ẩm khiến các tiểu thương có nguy cơ lỗ nặng.
Bà Vương chuyên buôn bán quần áo cũ cho biết đứng tên mua hơn 10 quầy với giá từ 1,1 đến 1,3 tỷ đồng mỗi quầy vì thấy khu chợ này được xây dựng hiện đại. Ngoài việc thế chấp tài sản để mua 3 quầy, bà còn vận động thân nhân ở nước ngoài về mua thêm.
“Lúc đó cứ nghĩ cho thuê lại quầy với giá 6 -7 triệu đồng mỗi tháng thì người thân ở nước ngoài chỉ cần đầu tư trên 50.000 USD và cho thuê lại sẽ đủ tiền hàng năm về nước chơi, chưa kể nếu có ai mua được giá thì bán kiếm lời. Nhưng hiện tại nhiều quầy đã mua vẫn phải đóng cửa bởi việc kinh doanh mặt hàng quần áo cũ ở đây ế ẩm, trong khi vẫn phải đóng đủ thứ thuế phí”, bà Vương than thở.
Theo chủ đầu tư, dự án Dalat Center sẽ gồm 14 tầng, diện tích xây dựng 44.000m2 trong đó giai đoạn một là tầng hầm và 3 tầng dưới cùng dùng làm chợ truyền thống. Những tầng trên thuộc giai đoạn 2 làm khu giải trí, văn phòng cho thuê, khách sạn và các dịnh vụ cao cấp khác, hiện vẫn chưa tiến hành.
Để thu hút người mua quầy sạp tại chợ, Công ty cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng hiện tại mới bán được 726 quầy trên tổng số hơn 1.000. Chủ đầu tư cho biết, chi phí vận hành khu chợ này rất lớn. Dù chỉ có trên 600 quầy hoạt động, nhưng tất cả mọi thứ trong chợ đều phải vận hành như: điện chiếu sáng, camera, thang cuốn…
Do không đồng ý đóng tiếp khoản phí hoạt động chợ, nhiều hộ kinh doanh tại Dalat Center đã bị cắt điện, thậm chí trước quầy bị đổ rác thải. Ảnh: NLĐ |
Cũng chính vì hoạt động buôn bán kém hiệu quả, mâu thuẫn giữa các tiểu thương với Ban quản lý chợ đã nổ ra.
Ngày 6/6, hàng chục tiểu thương chợ mới Đà Lạt tập trung trước văn phòng Công ty Len Nguyễn (đường Phan Bội Châu, thành phố Đà Lạt) để phản đối. Nguyên nhân là trong buổi sáng cùng ngày, khi một số tiểu thương đến chợ bán hàng thì phát hiện rất nhiều rác trước quầy hàng, bên trong quầy bị cắt điện.
Các tiểu thương cho biết Ban quản lý chợ đã cắt dịch vụ khi hai bên chưa thống nhất các phương án về thu phí, lệ phí. Hiện tiểu thương tại chợ mới Đà Lạt đang đóng 6 khoản phí bao gồm: phí bảo vệ, phí chiếu sáng công cộng, lệ phí phục vụ hoạt động chợ, phí vệ sinh công cộng, tiền điện và tiền nước. Trong đó, riêng khoản phí “phục vụ hoạt động chợ” 50.000 đồng một m2 mỗi tháng (tức mỗi quầy phải đóng 300.000-400.000 đồng một tháng) là trùng với các khoản phí khác, nên có 20 tiểu thương sở hữu 45 quầy đã ngừng đóng từ tháng 4/2015. Do đó, Ban quản lý chợ mới Đà Lạt đã ngưng cung cấp dịch vụ đối với các quầy này.
Bà Trần Thị Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Len Nguyễn cho rằng, các khoản thu kể trên bao gồm lệ phí phục vụ hoạt động chợ, Công ty không thu vượt mức trần của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không từ ngân sách Nhà nước.
“Nếu không thu khoản này thì công ty không có khoản nào để bù vào việc vận hành chợ vì chi phí hàng tháng rất lớn. Việc tiểu thương cho rằng chúng tôi cố tình thu cao thì công ty sẽ mời thanh tra thuế, đại diện chính quyền thành phố Đà Lạt kiểm tra hóa đơn chứng từ xem chúng tôi thu như thế nào và đóng các khoản chi phí ra sao. Còn trước mắt, Ban quản lý sẽ vẫn tạm thời cung cấp lại điện cho các quầy đã bị cắt để các hộ kinh doanh duy trì hoạt động.”, bà Liên nói.
Chủ tịch Len Nguyễn cho biết thêm, trước đó ngày 22/5, Ban quản lý chợ tổ chức đối thoại với đại diện tiểu thương trong chợ, tuy nhiên giữa hai bên vẫn chưa đi tới thống nhất các khoản thu. Một số tiểu thương đã ngưng đóng lệ phí từ tháng 4/2015.
Ngày 1/6 và 2/6 phía Công ty Len Nguyễn đã hai lần ra thông báo cho 45 quầy chưa đóng lệ phí phải thực hiện nghĩa vụ trước ngày 5/6, tuy nhiên đến sáng 6/6 những hộ kinh doanh này vẫn không đóng lệ phí phục vụ hoạt động chợ nên Ban quản lý quyết định ngừng cung cấp các dịch vụ bảo vệ tài sản, dọn dẹp vệ sinh, cấp điện chiếu sáng. Riêng việc vứt rác trước quầy, Ban quản lý khẳng định không biết, thậm chí còn đưa ra giả thuyết tiểu thương tự làm rồi vu cho Ban quản lý.
Trước cáo buộc ngược này, các tiểu thương cho rằng chợ có nhiều camera và lực lượng bảo vệ 24/24 khá hùng hậu mà Ban quản lý chợ nói không biết ai xả rác là vô lý và thiếu thiện chí.
Khoản lệ phí hoạt động chợ 50.000 đồng một m2 mà chủ đầu tư áp dụng, thực ra không mới. Trước đây khi đi vào hoạt động, chợ mới Đà Lạt đã thu khoản phí này là 70.000 đồng một m2 mỗi tháng, nay giảm xuống 50.000 đồng. Nhưng trước tình hình buôn bán ế ẩm nên 3 tháng nay nhiều người đã ngưng đóng để phản đối. Trong khi đó rất nhiều hộ đã đóng cả năm trước đó, nên không tham gia phản đối. Một tiểu thương cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi đóng khoảng một triệu đồng thuế cộng với các lệ phí khác, vậy mà chủ đầu tư còn đẻ ra thêm khoản phí hoạt động chợ 300.000 – 400.000 đồng mỗi tháng thì quá vô lý”.
Theo các tiểu thương kinh doanh cả ở chợ mới và cũ Đà Lạt, Thành phố có khoảng 300.000 dân, nhưng hai chợ cũ và mới lại nằm trên cùng một khu đất, quy mô mỗi chợ là 1.000 quầy sạp, chưa kể tại các phường cũng có chợ khá lớn như chợ Phan Chu Trinh, Chi Lăng, Phan Đình Phùng…, cộng với vài ba siêu thị trên địa bàn đã trở nên quá thừa để đáp ứng cho số lượng người dân tại chỗ và trên 3 triệu khách du lịch mỗi năm. Đây chính là một phần nguyên nhân khiến tình hình buôn bán của các tiểu thương giảm sút.
Quốc Dũng