Cách điều hành giá của ngành điện được Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề cập tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng chiều 11/6. Đại biểu này nhận xét, ở Việt Nam, điện là mặt hàng rất kỳ lạ.
“Tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi tăng tiếp. Đó là điệp khúc kéo dài từ thuở khai sinh ra ngành điện nước nhà đến nay. Về mặt lý thuyết, khi có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, bán điện thì chi phí hạ, người dân sẽ được hưởng mức giá cạnh tranh nhất. Nói vậy quá đúng nhưng lý thuyết ấy tại sao không đúng với ngành điện?”, đại biểu Cương đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn về giá điện. Ảnh: Q.D. |
Trong khi câu hỏi của đại biểu khá thẳng thắn, trực diện vào việc tại sao giá điện không giảm thì phần trả lời của vị tư lệnh ngành lại khá lòng vòng. Đầu tiên, ông khẳng định điện là hàng hóa liên quan toàn bộ đời sống của người dân nên dù điều chỉnh nhỏ cũng tác động lớn. Vì vậy, mỗi khi đứng trước các đợt điều chỉnh, các cơ quan điều hành hết sức băn khoăn. “Trong tính toán, chúng tôi rất cẩn trọng để làm sao đáp ứng yêu cầu điều chỉnh giá điện theo thị trường, không bù giá nhưng giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới đời sống nhân dân”, ông nói.
Thay vì nói thẳng vào lý do, ông Vũ Huy Hoàng tiếp tục phân trần về đợt điều chỉnh giá điện tăng 7,5% hồi tháng 3 vừa rồi. Ông cho hay, khác với các đợt điều chỉnh trước, ngoài Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, lần này còn có cả Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… lắng nghe và tham vấn về các đề xuất tăng giá của ngành điện. Tuy nhiên, ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ngắt lời Bộ trưởng: “Đại biểu hỏi tại sao chỉ tăng mà không giảm giá điện”
Ngay sau đó, ông Vũ Huy Hoàng mới trả lời: “Thực tế là đến năm 2014, giá điện mới bắt đầu có mức bán cao hơn giá thành. Lâu nay chúng ta vẫn duy trì cơ chế bao cấp. Tuy nhiên, mức giá hiện nay vẫn chưa phải giá thị trường”.
Tiếp theo, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng hỏi lại: “Như vậy là còn tuân theo lộ trình thì giá điện còn tăng?”. Câu hỏi này của Chủ tịch Quốc hội cũng tương đồng với những băn khoăn của các đại biểu về thời điểm giá điện sẽ ngừng tăng và người dân được hưởng lợi.
Thừa nhận giá điện sẽ còn tăng nhưng Bộ trưởng Công Thương cho biết theo lộ trình, đến năm 2016 sẽ thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Từ năm 2021 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. “Lúc đó thì giá hoàn toàn là thị trường. Khi ấy, người mua điện có thể tự do lựa chọn nhà sản xuất, bán điện”, ông nói. Ngoài ra, ông cũng hứa sẽ không tăng giá điện thường xuyên và mỗi khi tăng sẽ phải tuân theo nguyên tắc, quy định.
Thanh Thanh Lan