Trước chất vấn của đại biểu về việc bao giờ người nông dân mới có thể làm giàu từ trồng lúa gạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận “rất khó” bởi số tiền lãi của mỗi hộ thấp.
Ông dẫn một nghiên cứu cho hay để một hộ trồng lúa sống được thì diện tích trồng phải hơn 2ha, nhưng ở Việt Nam có tới 9,3 triệu hộ nông dân mà diện tích đất lúa chỉ 4,2 triệu ha, bình quân mỗi hộ chỉ có chưa đến 0,5 ha. Lấy ví dụ của Hậu Giang, với năng suất 6 triệu tấn, người nông dân bán lúa lãi 1.000 đồng một kg thì thu nhập khoảng 6 triệu đồng, song diện tích bình quân chỉ được 0,8ha, tiền lại chỉ là 5 triệu đồng.
Thu nhập của người nông dân trên mỗi ha chỉ khoảng 6 triệu đồng. |
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng khẳng định không vì làm giàu khó mà để người nông dân bỏ đất. “Đất lúa là di sản của dân tộc, chúng ta không còn đất lúa để mở mang. Chỉ có vậy, mãi mãi cho muôn đời, là nguồn sống”, Bộ trưởng phát biểu. Do đó, Chính phủ phải có giải pháp để người dân gắn với cây lúa có thu nhập cao hơn, chẳng hạn như hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho nông dân trồng các loại cây khác thu nhập cao hơn, mà lúc cần vẫn có thể chuyển về trồng lúa.
“Tôi về Hưng Yên, người nông dân trồng chuối thay vì có 50-60 triệu đồng như trồng lúa thì thu nhập 300 triệu đồng. Hay Ninh Thuận trồng thanh long, dù giá bây giờ có xuống thấp nhưng có lúc giá cao, thu nhập một tỷ đồng“, Bộ trưởng dẫn chứng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản với chủ trương ngăn cản chuyển đổi đất lúa sang các mục đích khác, đặc biệt là phi nông nghiệp như xây khu đô thị, giải trí, sân golf… Theo Bộ trưởng, điều này đã khiến số lượng đất chuyển đổi giảm từ 50.000 ha xuống còn 10.000 – 15.000 ha mỗi năm hiện nay.
Lý giải cho việc đầu tư tư nhân vào nông nghiệp ít, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng khó khăn nhất hiện nay là đất. Hiện đất nông nghiệp chủ yếu nằm ở nông dân, Nhà nước không thể thu hồi đất của nông dân để đưa cho doanh nghiệp, dù rằng biết doanh nghiệp làm có thể có hiệu quả cao hơn. Do đó, phải từng bước giải quyết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối với nông dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cũng đặt câu hỏi hiện Bộ trưởng lo và thấy khó nhất ở đâu? Vị tư lệnh ngành cho rằng nỗi lo lớn nhất là tiêu thụ nông sản, khó nhất là khâu chế biến chưa tương xứng.
Ông cũng nhận trách nhiệm khi việc triển khai các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua chưa hiệu quả. Chúng tôi cũng trăn trở làm nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi”, Bộ trưởng nói.
Huyền Thư