Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế biển tổ chức tại Bồ Đào Nha ngày 4/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ những lo ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với tình hình đang diễn ra ở Biển Đông – tuyến hàng hải vận chuyển khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới Đông Bắc Á với châu Âu, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.
“Chúng ta không thể hợp tác kinh tế biển thành công nếu an ninh, an toàn, tự do hàng hải bị đe dọa” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những vấn đề trên Biển Đông đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không. |
Bước vào thế kỷ XXI, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng khan hiếm, các nước trên thế giới, nhất là các quốc gia ven biển đều hướng ra biển, coi phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh biển là ưu tiên chiến lược, là không gian sinh tồn.
Không nằm ngoài xu thế này, Việt Nam với trên 3.000 km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn một triệu km2 và đã đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển. Việt Nam đang tăng cường hợp tác kinh tế biển với các quốc gia, trong đó có các Hiệp định Thương mại tự do đã và chuẩn bị ký kết đều gắn với các quốc gia có kinh tế biển phát triển.
Tham dự Diễn đàn Kinh tế biển, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho đánh giá sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy, tăng cường hợp tác về kinh tế biển giữa Việt Nam và Bồ Đào Nha, mang lại lợi ích chung cho cả hai nước.
Diễn đàn Kinh tế biển Lisbon (Bồ Đào Nha) là một trong 3 hoạt động chính của Tuần lễ Biển do Bồ Đào Nha tổ chức từ ngày 3-5/6/2015 với sự tham gia của gần 200 tập đoàn, công ty, viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ, cơ quan quản lý về biển của Bồ Đào Nha, Liên minh Châu Âu (EU) và quốc tế.
Bồ Đào Nha luôn coi trọng kinh tế biển và đang tập trung triển khai Chiến lược biển giai đoạn 2013-2020 với mục tiêu giải quyết các thách thức đặt ra để thúc đẩy tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế biển của nước này, coi biển là động lực cho nền kinh tế, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững và các tác động đến môi trrường, xã hội. Bồ Đào Nha cũng là một trong những nước khởi xướng và đang tích cực tham gia Chiến lược biển Đại Tây Dương và Định hướng tăng trưởng dựa vào biển của EU.
Bồ Đào Nha có thềm lục địa rộng 2,1 triệu km2 và vùng tài phán quốc gia lên tới gần 4 triệu km2, lớn gấp 40 lần diện tích lãnh thổ trên đất liền. 53% ngoại thương của EU vận chuyển qua các vùng biển của Bồ Đào Nha, 60% ngoại thương và 70% hàng hóa nhập khẩu của Bồ Đào Nha thực hiện qua đường biển. Kinh tế biển chiếm 11% GDP, 12% lao động, 17% nguồn thu thuế và 90% thu nhập du lịch của Bồ Đào Nha.
Phương Linh