Chuỗi cửa hàng tiện lợi nước ngoài mở rộng ra Bắc

Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là kênh mua bán chủ yếu của người dân Hà Nội, bên cạnh các hệ thống siêu thị lớn có tên tuổi. Nhưng gần đây, những kênh bán lẻ này đang chịu sức ép lớn từ các chuỗi cửa hàng tiện lợi được trang trí đẹp mắt, đầy đủ tiện nghi và nhất là gần khu dân cư. Đặc biệt, trong một năm qua, nhiều nhà bán lẻ ngoại đã đổ bộ ra thị trường Hà Nội, mảnh đất được đánh giá còn rất màu mỡ bởi mới có 20 cửa hàng tiện lợi mà dân cư lên tới hơn 7 triệu người.

Circle K (Mỹ) đã thâm nhập vào Việt Nam từ cuối năm 2008 và hiện có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc. Những năm đầu, hãng chỉ tập trung chiến lược phát triển thị trường trong Nam khi mỗi tháng bình quân mở 3 điểm bán hàng. Điều này cũng khá dễ hiểu là thói quen chi tiêu cho mua sắm của thị trường TP HCM lớn hơn nhiều so với Hà Nội. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, Circle K đã tiến quân ra Hà Nội với hai cửa hàng đầu tiên đặt tại những khu dân cư đông đúc.

K2-JPG-8479-1433253279.jpg

Cửa hàng tiện lợi gây chú ý nhờ trang trí bắt mắt và bày bán mọi loại hàng hóa thiết yếu cho gia đình. Ảnh: Huyền Thư

Guardian – chuỗi cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm thuộc Tập đoàn Dairy Farm có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã khai trương 3 cửa hàng tại Hà Nội trong gần một năm qua, sau 3 năm hoạt động tại Việt Nam.

Theo đại diện đơn vị này, với kinh nghiệm hoạt động tại TP HCM và nghiên cứu kỹ thói quen mua sắm, hãng đánh giá người tiêu dùng Việt Nam dù ở đâu đều sẽ yêu thích thiết kế hiện đại của các cửa hàng và sự đa dạng của sản phẩm. Do đó, việc tiếp cận thị trường Hà Nội sẽ là một bước tiến của Guardian nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng ở các vùng miền khác nhau.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh – Giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội vẫn còn khá nhỏ bé so với TP HCM, song những năm gần đây dần có sự bứt phá bởi người dân có nhu cầu được trải nghiệm nhiều hơn khi mua sắm. Tại các cửa hàng tiện lợi, khách hàng có thể mua từ chiếc thẻ điện thoại đến các loại đồ dùng hàng ngày. Trong cửa hàng cũng lắp đặt điều hòa, bàn ghế, nhà vệ sinh, những vật dụng mà các cửa hàng tạp hóa khác không có.

“Thời gian tới, sự phát triển của các cửa hàng tiện lợi tại phía Bắc sẽ còn nhanh hơn”, bà Quỳnh nhận định.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng với việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, sự đổ bộ ồ ạt của các chuỗi cửa hàng tiện lợi là điều dễ hiểu. “Hiện nay cửa hàng tiện lợi đã trở lại như một trào lưu mới. Đây cũng là trào lưu trên thế giới khi siêu thị, trung tâm thương mại chưa phát huy được đúng vai trò, nhiều trung tâm thậm chí được ví như những xác chết vứt đi”, bà Loan nói.

Cách đây 10 năm, Việt Nam cũng từng đón một làn sóng các chuỗi cửa hàng tiện lợi do doanh nghiệp trong nước thành lập nhưng chưa thành công. Nguyên nhân lớn nhất là do người dân chưa quen với chữ tiện lợi và không chuẩn bị được tâm lý phải trả tiền cho sự tiện lợi đó, hay những kỹ năng cơ sở hạ tầng cũng chưa được đảm bảo.

Tuy nhiên, thói quen và thu nhập của người tiêu dùng đã hoàn toàn thay đổi, là bàn đạp khiến cho trào lưu này trỗi dậy. Đại diện Nielsen cho hay với thu nhập ngày càng tăng, người tiêu dùng đòi hỏi ngoài việc mua sắm, họ còn được ngắm, chơi hoăc giải trí, nghỉ ngơi ngay trong các cửa hàng đó. Quy mô hộ gia đình giảm đi cũng khiến người dân không cần những bao bì quá lớn hay mua quá nhiều trong một lần. Đây chính là lý do để người dân tìm đến những cửa hàng tiện lợi thay vì các siêu thị, cửa hàng tạp hóa hay chợ.

“Mức độ phủ sóng của các cửa hàng tiện lợi đang bùng nổ tại Châu Á. Tại Việt Nam, hệ thống này có nhiều cơ hội phát triển khi 69.000 người mới có một cửa hàng tiện lợi, trong khi mật độ tại Trung Quốc là 21.000 người và Hàn Quốc là hơn 1.800 dân. Do đó, số lượng cửa hàng tiện lợi phải tăng gấp 3 lần so với hiện nay”, bà Hương Quỳnh nhận định.

Ông Nguyễn Bảo Lộc – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam cũng chia sẻ các nhà bán lẻ nói chung đang có hứng thú với các cửa hàng tiện lợi, nguyên nhân chủ yếu do chi phí đầu tư rẻ hơn. Hiện tại, để thuê một mét vuông mặt bằng kinh doanh trên trục đường chính để mở siêu thị, doanh nghiệp có thể phải trả tới 100 USD mỗi tháng. Con số này khiến nhiều nhà bán lẻ ngần ngại, bởi theo ông Lộc, chỉ ở mức tiền thuê khoảng 9 USD/m2 một tháng thì mới có hiệu quả.

“Điều này khiến cửa hàng tiện lợi được lưu tâm. Các cửa hàng này được mở chủ yếu ở các khu dân cư nên vốn đầu tư không cần quá lớn, việc mở rộng cũng nhanh chóng hơn siêu thị”, ông Lộc nói.

Trong tương lai, các chuyên gia cho rằng các cửa hàng tiện lợi sẽ còn di chuyển ra khỏi các thành phố lớn để tận dụng việc sức mua của người tiêu dùng tăng lên. “Sự phát triển của cửa hàng tiện lợi sẽ là sự nhảy vọt trong sự phát triển của những kênh bán lẻ hiện đại và ảnh hưởng đến những loại hình khác. Nhiều cửa hàng tạp hóa đã phải chuyển mình để cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi như lắp điều hòa, sửa chữa lại cửa hàng”, đại diện Nielsen cho hay. 

Tuy nhiên, trong thời gian đầu phát triển, các cửa hàng tiện lợi không tránh khỏi áp lực cạnh tranh, đặc biệt về giá khi hiện nay nhiều mặt hàng bị đắt hơn siêu thị, đại siêu thị từ 10- 15%. Theo ông Phạm Hữu Thìn – Trưởng phòng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để một chuỗi cửa hàng tiện lợi sinh lời thì ít nhất phải có 150 địa điểm, khi số lượng cửa hàng không đủ thì họ không thể bán rẻ được. Song, thực trạng này cũng chính là động lực để các hãng bán lẻ mở rộng hoạt động, nhất là với những nhà bán lẻ ngoại vốn có kinh nghiệm và hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới. Một nguồn tin cho biết, Circle K sẽ mở tiếp cửa hàng thứ 3 tại Hà Nội trong năm nay và đang hướng tới 10 cửa hàng tại thị trường phía Bắc này.

Huyền Thư

0913.756.339