Sau hơn 2 năm đàm phán, cuối tuần qua, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á – Âu gồm 5 nước là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. 90% dòng thuế của hai bên sẽ được tự do hóa khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương, trong đó những mặt hàng như nông sản, dệt may, da dày, đồ gỗ… được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Đối với mặt hàng thủy sản, phía Liên minh Kinh tế sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng và số lượng không hạn chế, trong khi đó dệt may, da giầy phần lớn có thuế suất về 0%, số còn lại cũng sẽ giảm dần theo lộ trình cam kết. Đầu tư của các nước vào Việt Nam cũng dự báo sẽ có bước tiến mới trong giai đoạn tới, tập trung vào các ngành công nghiệp chế tạo, cơ khí, khai khoáng…, ngược lại Việt Nam sẽ đầu tư vào các thị trường này những dự án về công nghiệp chế biến, dệt may, da giầy…
Xuất khẩu thủy sản sẽ được lợi khi ký FTA giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu. Ảnh: Hoàng Vũ. |
Đại diện Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Liên minh Kinh tế Á – Âu, đặc biệt Nga là thị trường rộng lớn và còn rất nhiều tiềm năng. Dù đã gia nhập WTO nhưng mức thuế nhập khẩu vào Nga vẫn còn rất cao, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Do đó, hiệp định được ký kết sẽ góp phần khai thông hàng rào thuế quan, với lợi ích là cơ cấu sản phẩm giữa hai bên tương đối bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho hay mỗi năm các nước trong liên minh nhập khoảng 17 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam, song thị phần của các doanh nghiệp chỉ chiếm 2%, một phần do thuế quan áp dụng cho hàng dệt may chính ngạch nhập vào vào khu vực này rất cao. “Chúng ta xuất khẩu mỗi năm 27 tỷ USD hàng dệt may ra thế giới, là nước đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Đã đứng được ở những thị trường khó tính nhất thì không thể không đứng được tại thị trường của Liên minh Kinh tế Á – Âu”, ông Trường phát biểu.
Vị này cũng tin tưởng kim ngạch hàng dệt may giữa hai bên sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên hiệp định được thực thi và tăng trung bình 20% trong 5 năm tiếp theo. Giá trị kim ngạch tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên một tỷ USD trong 1-2 năm tới và Việt Nam sẽ từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 hiện nay tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường này.
Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Vương chuyên xuất khẩu cá tra cũng từng chia sẻ Nga là thị trường lớn thứ hai của công ty sau Mỹ, song mức thuế nhập khẩu vẫn ở mức cao. Việc dỡ bỏ các loại thuế khi FTA có hiệu lực sẽ là điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của công ty vào thị trường này, mà Nga là một đầu mối quan trọng. Ngay từ lúc này, Hùng Vương đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 30 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến và kho lạnh tại đây.
Nhưng bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam cũng có những thách thức phải đối mặt khi FTA này có hiệu lực. Các nước thành viên trong liên minh, đặc biệt là Nga rất có thế mạnh về sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng… do đó khi mở cửa, thị trường trong nước sẽ ngày càng cạnh tranh.
“Nga là cường quốc về sắt thép, với việc thuế nhập khẩu mặt hàng này về 0%, doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, lãnh đạo một doanh nghiệp thép chiếm thị phần lớn ở thị trường trong nước đánh giá. Cùng với đó, trong bối cảnh đồng tiền Nga mất giá, có thể Nga sẽ tăng cường xuất khẩu để bù đắp sự sụt giảm ở thị trường nội địa cũng như các thị trường khác đang bị cấm vận.
Song, đại diện doanh nghiệp trên cho rằng cũng không quá lo ngại bởi đường sá xa xôi sẽ là một yếu tố cản trở sắt thép từ các nước này vào Việt Nam. “Doanh nghiệp cũng không nên quá ngại việc sẽ bị cạnh tranh với thép Nga mà điều đáng lo ngại hơn là thép Trung Quốc”, vị này cho biết. Theo phân tích, mức độ giảm giá của thép Nga vẫn chưa bằng thép Trung Quốc, hơn nữa, ảnh hưởng của sự thay đổi tỷ giá lên hoạt động thương mại cũng cần có độ trễ nhất định. Bốn tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép và các sản phẩm sắt thép từ Nga vào Việt Nam đạt 15 tỷ USD, thấp hơn mức 19 tỷ USD cùng kỳ năm 2014.
Riêng mặt hàng nông sản, bên cạnh lợi thế có thêm thị trường tiêu thụ, điều kiện bảo quản khi khoảng cách địa lý giữa hai khu vực khá lớn cũng là điều trăn trở với các doanh nghiệp trong nước, vốn còn ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện rất nhiều hàng nông sản của Việt Nam được các nước ưa chuộng nhưng chưa xuất khẩu sang được vì công nghệ bảo quản còn hạn chế. Để khắc phục điều này, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt Kiều có ý tưởng thành lập kho ngoại quan đặt ở các nước thuộc liên minh và bước đầu là đặt ở Nga. Phía cơ quan chức năng Việt Nam cũng sẽ có sự hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về thuế, đất đai xây dựng kho.
“Với kho ngoại quan được thành lập, các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ thuận lợi rất nhiều bởi khi vận chuyển hàng sang nước bạn, doanh nghiệp đã có hệ thống kho bãi để bảo quản lâu và các thủ tục thông quan chúng ta sẽ làm tại đó”, ông nhận xét.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần chú ý thêm các yêu cầu về đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin hàng hóa. Doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu kỹ ngôn ngữ, văn hóa để chọn được đối tác đáng tin cậy… Đối với Nhà nước, doanh nghiệp cũng khuyến nghị có thêm cơ chế thanh toán với đồng tiền Nga, bởi việc xuất khẩu hiện nay vẫn chủ yếu thanh toán bằng đôla Mỹ.
“Triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào các nước thành viên liên minh là rất lớn và các nước này cũng đang xem xét đầu tư một số dự án lớn vào Việt Nam. Còn đối với thương mại, kim ngạch song phương dự báo con số thấp nhất sẽ tăng từ mức 4 tỷ USD hiện nay lên 10 tỷ USD sau 5 năm nữa”, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định.
Liên minh Kinh tế Á – Âu có diện tích 20 triệu km2, chiếm 15% diện tích thế gới với tổng dân số 183 triệu người. GDP toàn khu vực khoảng 4.500 tỷ USD, chiếm 6% GDP toàn cầu. Các nước thuộc liên minh là những quốc gia có trữ lượng tài nguyên phong phú, khổng lồ với tổng trữ lượng dầu mỏ 100 tỷ thùng – chiếm 17% trữ lượng thế giới, trữ lượng khí đốt đứng đầu thế giới, thứ ba về sản lượng điện và thứ tư về sản lượng than…
Huyền Thư