Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: ‘Tỷ giá đang bị giữ quá chặt’

Tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 diễn ra hôm qua, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định việc tỷ giá VND/USD đang bị giữ quá chặt và cần những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới để không tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Nguyen-Duc-Thanh-7556-1432861368.jpg

Ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc VEPR.

– Ông đánh giá như thế nào về tỷ giá VND/USD hiện nay?

– Một số nước lớn đang duy trì đồng tiền thấp hơn so với USD, một mặt do nội bộ nền kinh tế nhưng đây cũng là cơ hội để những nước đó gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh thương mại quốc tế không thay đổi nhiều mà các hàng rào kỹ thuật ngày càng gia tăng.

Việt Nam vẫn giữ tỷ giá VND với USD rất chặt. Suốt từ 2011 đến nay, tỷ giá được đặt trong giới hạn kiểm soát 2-3%, khi USD lên giá thì VND cũng mạnh theo. Nếu không thay đổi cách điều hành, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn, chịu tác động mạnh nhất là những ngành thâm dụng lao động như nông nghiệp, khai khoáng, công nghiệp chế biến, du lịch…

Do đó, chúng ta phải cân nhắc điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp.

– Ngân hàng Nhà nước hiện đã tăng hết room 2% trong năm nay, ông nhận định thế nào về khả năng kìm nén tỷ giá trong những tháng còn lại?

– Theo cá nhân tôi, mức 2% là tương đối là chặt. Những năm trước, có năm tỷ giá không tăng tới 2% do Ngân hàng Nhà nước muốn bình ổn vĩ mô chặt chẽ. Đây là thành tựu của cơ quan này nhưng thời gian luôn biến đổi, có những chính sách chúng ta cứng rắn và thành công, còn trong thời điểm mới thì cần linh hoạt.

Trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước có toàn quyền chủ động. Khi tình hình trong nước và thế giới biển đổi, nhà điều hành có khả năng can thiệp vào thị trường và đưa ra chính sách linh hoạt. Do đó, quan điểm giữ ổn định tỷ giá như hiện nay chỉ là tạm thời.

– Ông có khuyến nghị gì về điều hành tỷ giá thời gian tới?

– Nhiều năm trước, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh tỷ giá liên tục và dần dần bởi chúng ta có mức lạm phát tương đối thấp, ảnh hưởng của tỷ giá lên lạm phát không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, rất tiếc là trong bối cảnh như vậy, nhà điều hành lại cố gắng duy trì nhằm tạo ra dư địa vĩ mô nhiều hơn. Đây là lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước bởi họ có nhiều vấn đề cần phải xử lý trong một không gian hạn hẹp như vậy.

Song, việc điều chỉnh sẽ không bao giờ là muộn. Để không phá vỡ cấu trúc giữa đồng VND và USD, tức là chênh lệch lãi suất hai đồng tiền này khoảng 3-3,5%, chúng ta nên thay đổi trong những năm tới để có được mức tỷ giá thực thấp hơn trong tương lai.

– Nhưng điều chỉnh tỷ giá sẽ làm các khoản nợ nước ngoài gia tăng, tác động mạnh lên nợ công, vốn đang ở sát ngưỡng trần hiện nay. Ông nghĩ sao về nguy cơ này?

– Đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tác động của việc tăng tỷ giá tới nợ công. Theo tôi, nếu thay đổi tỷ giá thành công, đi đôi với đó là những chính sách khác để doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực sản xuất thì chúng ta có thể cải thiện nguồn thu và về mặt tương đối có thể khắc phục được nợ công.

Ngoài ra, trong nợ công Việt Nam hiện nay, các khoản nợ bằng euro, yen cũng chiếm tỷ trọng đáng kể, việc tỷ giá hai đồng tiền này giảm rất mạnh cũng khiến nợ công danh nghĩa giảm. Nợ công bằng USD chỉ là một phần, do đó có thể cân đối để thay đổi tỷ giá không ảnh hưởng đến nợ công.

– Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn, Chính phủ vừa qua đã nêu lên một giải pháp là vay từ quỹ dự trữ ngoại hối để bù đắp, ông đánh giá như thế nào về việc này?

– Phương án mà Chính phủ đưa ra là nhằm mở rộng nhất có thể không gian điều hành chính sách, nhưng tôi cho rằng Chính phủ sẽ rất thận trọng trong việc thực thi điều này bởi đúng như các chuyên gia lo ngại, chính sách này sẽ gât lo ngại rất lớn về sự minh bạch tài khóa, sử dụng các nguồn tài trợ, đe dọa thanh khoản và tạo tiền lệ sử dụng dự trữ ngọai hối để can thiệp chính sách tài khóa. Đây là điều rất nên tránh.

Tôi nhận định thông điệp của Chính phủ ở đây chỉ muốn nói lên rằng có những không gian chính sách như vậy nhưng tôi tin Chính phủ sẽ không sử dụng bởi đó không phải lựa chọn tốt.

– Báo cáo mới công bố của VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng năm 2015 là 6,1% và 6,3%, thấp hơn con số kỳ vọng của nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế khác là 6,5%. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?

Các kịch bản của chúng tôi dựa trên những tính toán thận trọng về khả năng tăng trưởng của Việt Nam. Khuynh hướng chung là kinh tế vẫn tăng nhẹ trong quỹ đạo vừa phải chứ chưa thể bứt phá đột biến, đi cùng với đó là những rủi ro vĩ mô có thể xuất hiện trong năm 2016 nếu chúng ta không điều hành thận trọng.

Hiện nay, có thể nói rằng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, nhưng nếu Việt Nam cố gắng sử dụng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thì có thể tạo ra môi trường vĩ mô mất cân đối bởi còn nhiều yếu tố bất ổn tồn tại như thâm hụt ngân sách, tỷ giá giữ ở mức danh nghĩa quá lâu, doanh nghiệp tư nhân và sản xuất nhỏ dễ tổn thương…

Trong điều kiện các yếu tố bất lợi hội tụ cùng một lúc, chúng ta không nên chạy theo việc đẩy tăng trưởng lên quá cao.

Tỷ giá là vấn đề lớn, kỳ họp nào của Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cũng bàn đến nhưng không dễ dàng, phải đặt trong các mối quan hệ vĩ mô. Đặc biệt, bàn về tỷ giá phải biết trong túi của mình có bao nhiêu tiền, nếu cứ bàn mà không biết trong túi mình có bao nhiêu tiền dự trữ thì khó bàn.

Thứ hai là phải lường hóa được tâm lý. Mất niềm tin thì có thể trong một tối nhưng để lấy lại niềm tin phải mất nhiều tháng, nhiều năm.

Việt Nam cũng lại chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu, nếu để hạn chế hàng tiêu dùng thì có thể bảo là tăng tỷ giá để hạn chế. Nhưng chúng ta nhập khẩu đầu vào là chủ yếu, chỉ có 5-6% là hàng tiêu dùng thì phải tính đến yếu tố đó. Ngoài ra, điều chỉnh tỷ giá cũng tác động đến nợ công, lạm phát, lãi suất..., do đó, có rất nhiều vấn đề phải cân nhắc. 

Ông Cao Viết Sinh – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia

Phương Linh

0913.756.339