Maritime Bank dự kiến lên sàn sau năm 2016

Tại Đại hội cổ đông sáng 28/5, lãnh đạo Maritime Bank cho biết sẽ hoàn tất việc sáp nhập Ngân hàng Mekong (Mekong Bank – MDB) trong quý II, sau khi được cổ đông thông qua. Đồng thời, việc mua lại 100% vốn của Công ty tài chính Dệt may Việt Nam cũng hoàn tất trong thời gian này.

Kế hoạch nhận sáp nhập MDB được Đại hội cổ đông Maritime Bank thông qua từ quý I năm ngoái. Tới tháng 3 năm nay, hồ sơ sáp nhập mới được hoàn thiện và Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về nguyên tắc cho hai ngân hàng sáp nhập tự nguyện. Dự kiến trong tháng sáu hoặc đầu tháng bảy, việc sáp nhập chính thức được phê chuẩn. 

Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu đã được thông qua là 1:1 (một cổ phiếu MDB đổi một cổ phiếu MSB). Lãnh đạo Maritime Bank lý giải giá trị cổ phiếu của cả hai ngân hàng tương đương nhau, xét trên giá trị sổ sách đã được kiểm toán của hai bên, các giá trị về thương hiệu, sản phẩm, mạng lưới, kinh nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ…

MSB-3615-1432783921.jpg

Ngoài chuyện sáp nhập, cổ tức tiếp tục là mối quan tâm của các cổ đông sáng nay, đặc biệt khi Maritime Bank đã không chia cổ tức từ năm 2012. Chia sẻ với những băn khoăn này, ông Đào Trọng Khanh – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) giải thích việc không trả cổ tức của MSB là theo đường lối chung của ngành.

“Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay là hạn chế các đơn vị chia cổ tức để đảm bảo hoạt động an toàn, phòng ngừa rủi ro. Thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng, các cổ đông cũng thấy khá nhiều ngân hàng không chia cổ tức hoặc có ở mức rất thấp. Có thể nói là chưa bao giờ ngành ngân hàng gặp khó khăn trong tăng trưởng như 2-3 năm qua và vài năm tới khi khó tăng doanh thu, chất lượng tài sản giảm. Vì vậy, mong cổ đông chia sẻ trong giai đoạn này”.

Một ý kiến đề nghị trích trong số lợi nhuận chưa phân phối 400 tỷ đồng để trả cổ tức mang ý nghĩa “động viên” cho các cổ đông nhưng đại diện MSB cho biết muốn tạm giữ lại như một nguồn lực tài chính để đảm bảo mục tiêu an toàn tài chính, phòng ngừa rủi ro phát sinh. Hơn nữa, nếu muốn chia, ngân hàng phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, ông Khanh hứa sẽ bàn để xây lộ trình kế hoạch tài chính và cổ tức chi tiết trong vòng 3-4 năm tới để báo cáo cổ đông trong đại hội tiếp theo.

Không được nhận cổ tức, lại khó thoái vốn nên nhiều cổ đông nhỏ tiếp tục thắc mắc về khả năng niêm yết của Maritime Bank. Lãnh đạo ngân hàng cam kết luôn luôn theo dõi tình hình thị trường cũng như đánh giá năng lực nội tại của MSB để lựa chọn thời điểm niêm yết cho phù hợp. “Giai đoạn 2015, 2016, ngân hàng sẽ tập trung cải tổ để lớn hơn, mạnh hơn. MSB cuối năm 2016 có thể là ngân hàng lớn mạnh hơn cả về quy mô, chất lượng tài sản, danh mục khách hàng, khả năng lợi nhuận. Khi đó chúng tôi có thể cân nhắc chuyện lên sàn”, ông Khanh cho hay.

Cũng tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 28/5, Maritime Bank bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị các lãnh đạo là sếp cũ của MDB và Công ty tài chính Dệt may. Theo đó, ông Đỗ Lam Điền – từng là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc MDB được bầu làm thành viên HĐQT Maritime Bank. Bà Dương Hồng Loan (sinh năm 1959), người từng làm Phó chủ tịch HĐQT Công ty Tài chính Dệt may Việt Nam, được bầu là thành viên HĐQT độc lập Maritime Bank.

Phó chủ tịch HĐQT Đào Trọng Khanh cũng xin từ nhiệm để dành thời gian cho việc kinh doanh của bản thân.

Hiện đại hội cổ đông vẫn thông qua kế hoạch các chỉ tiêu thực hiện năm 2015 theo kịch bản chưa sáp nhập với Mekong Bank. Cụ thể, lãi trước thuế đạt 165 tỷ đồng, tăng chưa đến 2% so với 2014. Tín dụng tăng trưởng 6,8%, huy động vốn tăng 17%, quỹ lương tăng gần 19% trong khi thù lao của hội động quản trị, ban kiểm soát giảm gần 8%.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339